Trước hết, Quy chế chuyển nhượng môn bóng chuyền không có quy định cấm HLV, VĐV đang còn hợp đồng với đội bóng này được phép đàm phán với đội bóng khác. Điều 7 Quy chế quy định: CLB muốn nhận chuyển nhượng VĐV phải thông báo bằng văn bản cho CLB có VĐV về việc xem xét chuyển nhượng. Thoả thuận chuyển nhượng VĐV phải được lập thành văn bản có chữ ký của lãnh đạo hai CLB (có dấu xác nhận) và VĐV tham gia chuyển nhượng. Khoản 3, Điều 7 quy định sau khi ký thoả thuận các bên phải tiến hành các thủ tục về chấm dứt và ký kết hợp đồng mới với VĐV theo quy định của pháp luật và quy chế chuyển nhượng….

Chính vì vậy, hình thức xử lý của VFV không được Kim Huệ tâm phục khẩu phục. Chia sẻ với giới truyền thông, Kim Huệ đã cho biết việc cô xin chuyển nhượng tới đội bóng mới chưa tiến tới bước ký kết chính thức mà chỉ dừng lại ở thỏa thuận nên cô vẫn có quyền thay đổi lựa chọn. Thế nhưng trên thực tế, Kim Huệ đã nhận 2 tỷ đồng từ CLB Bamboo Airways Vĩnh Phúc, bằng một nửa số tiền theo thỏa thuận và HLV này đã chuyển trả, khi việc chuyển nhượng sang đội bóng mới không thành.

Kim Huệ và các VĐV Thu Hoài, Ninh Anh hay Phương Anh vẫn là người của đội Vietinbank tham dự giải Vô địch quốc gia, nhưng mọi chuyện lại không êm xuôi khi xuất hiện quyết định kỷ luật từ VFV, điều mà người ta đánh giá ông Chủ tịch Lê Văn Thành đã “dại” khi ký tên vào quyết định này. Về lý, ông Lê Văn Thành hoàn toàn có quyền ký quyết định kỷ luật, nếu việc chuyển nhượng gây hậu quả ảnh hưởng tới giải Vô địch quốc gia, nhưng trước đó vẫn phải thông qua Thường vụ Liên đoàn.

Trong trường hợp này, đáng lý VFV cần triệu tập cả Kim Huệ và các VĐV để trao đổi thông tin, giải trình trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, VFV mà cụ thể là Chủ tịch Lê Văn Thành lại dựa theo tố cáo từ một phía, ở đây là CLB Bamboo Airways Vĩnh Phúc để kỷ luật HLV và VĐV. Cách làm này dễ khiến cho dư luận phải suy nghĩ về động cơ của VFV, bởi nhà tài trợ của CLB bóng chuyền Vĩnh Phúc cũng chính là đơn vị tài trợ cho giải bóng chuyền Vô địch quốc gia.

Chủ tịch VFV Lê Văn Thành cũng đưa ra hai lý do cơ bản để đưa ra án phạt được chú ý vừa qua. “Thứ nhất, bên đội bóng muốn chiêu mộ phải có căn cứ mới chuyển tiền cho Kim Huệ và vận động viên. Khi họ đã chuyển tiền tức là thực hiện xong thỏa thuận cho dù là giấy viết tay. Thứ hai, số tiền trong thương vụ nhiều nên để lại hậu quả lớn. Liên đoàn không thể không can thiệp vì hình ảnh của bóng chuyền Việt Nam. Giấy viết tay trong thương vụ coi như một thỏa thuận chính thức”.

Bên nào đúng, bên nào sai – đến thời điểm này chưa ngã ngũ khi vụ việc nhiều khả năng phải được giải quyết bởi cấp cao hơn. Nhưng, hình ảnh bóng chuyền Việt Nam, điều mà Chủ tịch VFV Lê Văn Thành muốn bảo vệ qua án kỷ luật cảnh cáo đã bị ảnh hưởng bởi những lời qua tiếng lại; và thứ hai, nó đã cho thấy lỗ hổng rất lớn trong Quy chế chuyển nhượng cầu thủ trong bóng chuyền, điều mà Tổng thư ký Liên đoàn – ông Lê Trí Trường cũng thừa nhận.

Xét về độ hấp dẫn với người hâm mộ, bóng chuyền có lẽ chỉ đứng sau bóng đá và đi kèm là độ hút nhà tài trợ. Khi các doanh nghiệp thực hiện chiến lược đầu tư vào các đội bóng thì giá trị chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền cũng tăng chóng mặt và đi kèm theo đó, bóng chuyền cũng trở thành môn hàng đầu về số vụ lùm xùm liên quan đến chuyển nhượng cầu thủ, hầu như năm nào, mùa giải nào cũng có.

VFV đang trong lộ trình để bóng chuyền Việt Nam ngày càng trở nên chuyên nghiệp, như giảm dần số đội tham dự giải vô địch quốc gia nhằm tăng sức cạnh tranh và có chân đế vững chắc khi số đội dự giải hạng A nhiều lên… Nhiều giải đấu quốc tế được tổ chức, kéo người hâm mộ tới chật kín các nhà thi đấu; đội tuyển quốc gia được đầu tư lớn cho mục tiêu cao nhất tại SEA Games 31… Nhưng, những nỗ lực đó cũng không thể giúp bóng chuyền Việt Nam thực sự chuyên nghiệp khi các vấn đề liên quan đến Quy chế không được thực hiện triệt để, đặc biệt là những Quy chế liên quan đến chuyển nhượng cầu thủ - điều dễ dẫn đến những tranh chấp quyền lợi giữa các CLB.

Trong vụ việc liên quan đến HLV Kim Huệ và 3 học trò, bên thường được coi là “bị hại” – đội Vietinbank lại không hề lên tiếng. Có thể hiểu nguyên nhân CLB này “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi họ cũng chẳng có quân mà đánh giải Vô địch quốc gia nếu án kỷ luật từ VFV nặng tay hơn. Và mọi chuyện đã có thể êm xuôi nếu như VFV không “nhanh nhảu” ra một văn bản khiến những bên liên quan không “tâm phục, khẩu phục”. Tại anh, tại ả, tại cả hai bên và hình ảnh chuyên nghiệp của bóng chuyền Việt Nam sớm bị ảnh hưởng, chỉ từ một vụ việc mà muốn nó không tái diễn sẽ phải cần thời gian, mà trước hết những người làm bóng chuyền cần phải vá những lỗ hổng liên quan đến Quy chế.