Vậy là sau hơn 20 năm ban hành, Luật Di sản văn hóa đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa ra trình Quốc hội để tiếp tục xin ý kiến bổ sung, sửa đổi vào kỳ họp tới đây, với kỳ vọng Luật khi được thông qua sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý, phát huy giá trị di sản. Điều này là cần thiết, khi mà 20 năm qua, những bất cập từ Luật đã và đang ngày càng bộc lộ rõ nét, phần nào gây cản trở cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung.

Không thể phủ nhận, với việc ban hành Luật Di sản văn hóa, Đảng, Nhà nước ta đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc đối với lĩnh vực này, tạo được không ít thành tựu đáng ghi nhận. Song, khi mà xã hội ngày càng phát triển, nhiều vấn đề mới phức tạp nảy sinh… thì những vướng mắc, bất cập từ Luật lại càng hiện hữu rõ nét. Và rõ ràng, đã có những “khoảng trống pháp lý” cho thấy Luật chưa theo kịp trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn cuộc sống.

Đơn cử, trong khi chúng ta khuyến khích các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác công tư, phát triển du lịch văn hóa... thì Luật Di sản văn hóa hiện hành lại chưa có quy định nội dung hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội. Đó là lý do khiến cho việc huy động sự tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa còn nhiều hạn chế.

Hay như câu chuyện về hồi hương cổ vật mà dư luận nói đến rất nhiều thời gian qua. Chúng ta đều biết hiện nay, số lượng cổ vật có nguồn gốc Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài rất lớn, trong đó nhiều cổ vật có giá trị là bảo vật quốc gia. Vậy nhưng, nếu nhìn dưới góc độ Luật, chưa có một điều khoản nào quy định về hồi hương cổ vật. Luật cũng đã cho phép mua cổ vật thông qua thương lượng, đấu giá, nhưng lại chưa “mở đường” cho việc mua cổ vật từ nước ngoài về nước bằng ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra các cơ chế, chính sách ưu đãi, đãi ngộ nhằm khuyến khích sự tham gia của đông đảo cá nhân, tổ chức vào hành trình hồi hương cổ vật cũng chưa được quy định cụ thể. Chính “khoảng trống” này đã cản trở không nhỏ tới việc thúc đẩy cổ vật hồi hương. Để rồi sau màn “giải cứu” thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi cuối năm ngoái, giờ chúng ta lại phải tiếp tục “nín thở” khi mà chỉ còn ít ngày nữa thôi, phiên đấu giá công khai hàng loạt cổ vật triều Nguyễn, trong đó đáng chú ý có kim bài, ngọc khánh của vua Khải Định, kiếm báu của vua Hàm Nghi… sẽ được tổ chức bởi Hãng đấu giá Drouot (Pháp).

Và còn nhiều, rất nhiều những “khoảng trống pháp lý” nữa, để thấy việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa vào thời điểm này vừa đúng lại vừa trúng, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản là kịp thời và cần thiết. Song, chỉ quan tâm thôi vẫn là chưa đủ. Cần lắm một sự hoàn thiện về mặt chế tài, luật pháp, làm sao tạo được một hành lang pháp lý thuận lợi nhất, đảm bảo tính kế thừa, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.

Chỉ khi Luật bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, khi ấy, những vấn đề còn vướng mắc từ thực tiễn đối với câu chuyện di sản văn hóa mới mong được tháo gỡ. Bởi, cái gốc của vấn đề nếu không được quan tâm sát sao, thì việc tập trung giải quyết phần ngọn như hiện nay - âu cũng chỉ là tình thế.