Nghe phóng sự tại đây:

Lưu Tuấn Kỳ là tiktoker thuộc thế hệ gen Z. Cuối năm 2023, Tuấn Kỳ lập trang tiktok có tên “Kỳ cuồng Sử”. Đều đặn mỗi tuần Kỳ đăng tải các clip chia sẻ hiểu biết về một nhân vật hay sự kiện lịch sử nào đó. Cách thể hiện ngắn gọn, rõ ràng và có đôi chút hài hước nên kênh đã nhanh chóng thu hút người xem.

"Em yêu thích lịch sử từ trò chơi đế chế. Mấy ông lính trong game mặc rất ngầu" - Kỳ nói. Vì ham mê trò chơi điện tử nên bị xao nhãng việc học. Mẹ xóa game và "đổi món" giải trí cho con trai bằng cuốn sách "Những nền văn minh cổ đại". Đó là cuốn sách nửa chữ, nửa tranh, Kỳ thích quá ngồi đọc say sưa và em thích lịch sử từ đấy. Bà ngoại và mẹ là những có công lớn đưa em đến với lịch sử.

Ông bà ngoại của Kỳ, bà Lưu Thị Minh Châu và ông Nguyễn Gia Cầu đang có cuộc sống viên mãn tuổi già. Khung ảnh hình chữ nhật treo tường lưu giữ tấm hình 6 người cháu khi còn bế ẵm trên tay. Có lẽ đây là bức ảnh ông bà thích nhất. "Tuấn Kỳ bé tí đây này. Hai bà cháu chơi với nhau. Bà mua tặng cháu 2 cuốn Đại Việt sử ký toàn thư thế mà nó đọc hết"- Bà Châu nói khi ấy Kỳ mới học lớp 3 hoặc lớp 4. Cậu bé đọc ngấu nghiến khiến bà thấy lạ.

Ông bà là cán bộ hưu trí từng công tác tại Bệnh viện Quân y 103. Bao nhiêu năm mang màu áo quân ngũ, chất lính, sự giản dị thấm đẫm trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động. Đó là tinh thần yêu sách và chuộng sự học. Ba người con của ông bà đều được học hành bài bản, có công việc ổn định.

Trong ký ức của bà, Tuấn Kỳ từ bé đã ham tìm hiểu và luôn đặt ra những câu hỏi tại sao, như thế nào? Bà trở thành người bạn, người thầy cùng tìm hiểu và giải đáp thắc mắc của cháu.

Truyền thống gia đình là chất liệu vô hình được tạo lập và góp phần hình thành tố chất con người. Kỳ chọn xã hội học là chuyên ngành ở Đại học nhưng vẫn dành thời gian để nuôi dưỡng tiếp đam mê lịch sử đó là xây kênh tiktok. Kênh của Kỳ đã có 67 nghìn tài khoản theo dõi và đã từng bị đánh sập đến hai lần.

"Em không dự đoán được có bao nhiêu người quan tâm được mảng lịch sử. Nhìn về lịch sử có thể nó khô khan thật, nhưng ẩn chứa là niềm tự hào dân tộc" - Kỳ tâm sự. Lúc đầu cách nói của em "học mót" theo lối diễn đạt của các Đài. Về sau, càng quen, càng thích, Kỳ nói tự nhiên hơn và hình ảnh cũng sống động hơn. "Em tin rằng nội dung về lịch sử không nhạt, quan trọng là cách thể hiện".

Ngoài ra, Tuấn Kỳ còn có bố và ông nội đều là nhà báo. Bố của Kỳ là nhà báo Lưu Anh Tuấn, hiện đang công tác tại Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam. Đọc sách có lẽ là mã gen được di truyền. Trận lụt lịch sử năm 2008 ở Hà Nội, nước tràn vào nhà, các thành viên trong gia đình ai cũng tiếc giá sách nhất.

"Quan điểm gia đình tất cả môn học ở trường phổ thông không có môn nào là môn phụ. Tất cả môn đó đều đi theo con người trọn đời. Đừng nói lịch sử, địa lý là môn phụ. Sách liên quan đến môn học này đều được tôi và các thành viên khác trong gia đình giới thiệu cho các con"- nhà báo Anh Tuấn cho biết.

Việc cậu con trai yêu lịch sử chẳng có gì khiến anh Tuấn bất ngờ dù ở thời đại mà kinh tế, công nghệ thông tin đang lên ngôi. Ngay cả việc con thi lên cấp ba đỗ vào lớp chuyên Sử của trường Chuyên nhưng lại từ chối học; rồi được học bổng toàn phần ở nước ngoài cũng không đi học. Kỳ giải thích rằng: yêu lịch sử không nhất thiết phải học chuyên, đã là đam mê thì học ở đâu cũng được.

-Anh tự hào về con trai mình chứ? -PV

-Tự hào thì cũng không đúng đâu, tôi chỉ yên tâm thôi. Yên tâm vì con mình đi đúng hướng, tư tưởng không lệch lạc và cách tiếp cận của cháu trong các câu chuyện luôn có góc nhìn riêng - nhà báo Anh Tuấn bày tỏ.

Mỗi lần đi du lịch ở đâu, nhà báo Anh Tuấn đều tìm hiểu trước về lịch sử địa danh và trở thành hướng dẫn viên cho gia đình. Rồi với bà Châu, ông Cầu, mỗi chuyến đi đều là hành trình trải nghiệm được sẻ chia với con cháu, khơi nên sự khao khát hiểu biết trong tâm hồn những đứa trẻ.

Hiện nay, Kỳ dù bận rộn với công việc kiếm sống nhưng vẫn có góc riêng để xây dựng kênh tiktok lịch sử một cách nghiêm túc và cũng rất hiện đại. Kỳ thừa nhận truyền thống lịch sử dân tộc đã góp phần thay đổi tư duy của em.

"Em nhận ra những người được ghi trong sử sách là những người thầm lặng nhất, chân thành nhất…Họ sống làm việc trong sự im lặng, khổ đau. Em học được cách phát huy sức mạnh…Thế hệ trước sử dụng áp lực thành động lực, cổ vũ em mình lì lên, cố gắng lên sẽ làm được" - Kỳ chia sẻ./.