Vì sao lại là 20%?
Trong Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội giảm ít nhất 20% so với năm 2024, tương đương từ mức 47 µg/m³ xuống khoảng 37 µg/m³.
Đối với các tỉnh xung quanh thành phố Hà Nội (như Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình...), phấn đấu giảm tối thiểu 10% nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vào năm 2030 so với mức trung bình năm 2024.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác, chất lượng môi trường không khí không ngừng được cải thiện, chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) năm sau tốt hơn năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, con số này được tính toán dựa trên mức độ ô nhiễm hiện tại, khả năng kiểm soát của địa phương, các nguồn lực khả thi và những mô hình dự báo dựa trên học tập kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là Bắc Kinh - Trung Quốc.
"Kinh nghiệm của các nước phát triển, giai đoạn chuyển từ nước đang phát triển thành nước phát triển là giai đoạn phải đối mặt với thách thức về môi trường lớn nhất, khi mà tốc độ phát thải tăng cao gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế"- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh trong cuộc họp sáng ngày 5/7.
Vấn đề ô nhiễm đáng quan tâm nhất là bụi và bụi mịn PM2.5. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vào các tháng cuối năm (sau tháng 10 trở đi), số ngày mà nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chiếm khoảng 35% tổng số ngày trong “kỳ ô nhiễm”. Số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ngày trong năm.
Riêng với thành phố Hà Nội, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào khoảng 47 µg/m³ gấp 2 lần so với ngưỡng cho phép là 25 µg/m³. Giảm 20% trong 10 năm tới tương đương với việc đưa chỉ số này về khoảng 37 µg/m³ - một bước cải thiện rõ rệt, nhưng chưa chạm ngưỡng an toàn.
Mục tiêu này không chỉ là số học, mà là câu hỏi "chúng ta có dám hành động và đủ công cụ để thực thi?”
"Để đạt được 37µg/m³ thì có thể 5 năm tiếp theo chúng ta sẽ phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa" - ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường nói cần giải quyết đồng thời nhiều nguồn phát thải như giao thông, xây dựng, công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp. “Chúng ta đã nhận diện được các nhóm nguồn chính nhưng công tác kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ giữa các địa phương”.
Tính đến giữa năm 2025, mới có 20/63 tỉnh, thành phố (con số tỉnh thành trước ngày 1/7) ban hành kế hoạch quản lý chất lượng không khí - điều luật quy định bắt buộc theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Dữ liệu và năng lực vận hành
Dữ liệu quan trắc là nền tảng cho mọi hành động, nhưng theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hiện trạng còn nhiều bất cập.
“Sau một, hai năm hoạt động, nhiều trạm quan trắc xuống cấp mà không có cơ chế sửa chữa kịp thời. Có trạm phải chờ tới 2–3 tháng mới được duyệt kinh phí, khiến dữ liệu bị gián đoạn và mất độ tin cậy. Đây là điểm nghẽn lớn”, ông Tùng cảnh báo.
Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc là thành phố từng đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng do phát triển công nghiệp và đô thị quá nhanh, mật độ giao thông dày đặc và sử dụng nhiên liệu hóa thạch quy mô lớn.
Trong hơn 20 năm (1998 - 2018), Bắc Kinh đã xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng không khí toàn diện và hiệu quả, dẫn tới kết quả là hàm lượng các chất ô nhiễm trong không khí giảm đáng kể. Năm 2023, PM2.5 tại thủ đô quốc gia tỉ dân này giảm còn 33 µg/m³, AQI trung bình dưới 50, đưa Bắc Kinh trở thành hình mẫu cải thiện không khí đô thị.
Thành tựu này phải kể đến hệ thống mạng lưới quan trắc dày đặc, nâng cao khả năng dự báo và cảnh báo ô nhiễm. Hệ thống xác định chính xác điểm nóng ô nhiễm (giảm sai lệch dự báo), hỗ trợ ứng phó kịp thời.

Ở nước ta mạng lưới quan trắc không khí xung quanh quốc gia có 27 trạm tiêu chuẩn cho cả nước (thành phố Hà Nội hiện có 03 trạm), trong số 27 trạm có 7 trạm đã hoạt động trên 10 năm, giảm độ chính xác.
Đối với quan trắc khí thải công nghiệp chỉ có 58% trong tổng số 581 trạm tự động có tỷ lệ truyền dữ liệu về Bộ đạt yêu cầu, còn một số trạm bị mất kết nối hoặc đã dừng hoạt động.
"Chúng ta thiếu nguồn lực để duy trì vận hành thường xuyên, liên tục cho những trạm quan trắc này" - Cục trưởng Cục Môi trường cho biết thêm, kinh nghiệm thế giới cho thấy ngoài những trạm cơ bản thì tiếp tục phải đan dày thêm cái mạng lưới quan trắc bằng các trạm cảm biến nữa. "Chắc chắn sắp tới sẽ phải được tăng cường", cục trưởng Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.
Việc tăng cường hệ thống quan trắc sẽ phục vụ tốt cho việc phối hợp liên vùng, liên tỉnh. "Chúng tôi thấy vẫn còn chưa đồng bộ, đâu đó vẫn còn lỏng lẻo, chưa có một thiết chế nhất định" - người đứng đầu Cục Môi trường phân tích.
Các giải pháp chính - liệu có đủ mạnh?
Kế hoạch hành động đặt ra nhiều giải pháp cụ thể:
-100% các nguồn phát sinh khí thải lớn (thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường: xi măng, nhiệt điện, luyện thép) được quản lý, kiểm soát và từng bước có lộ trình giảm phát thải;
-100% phương tiện tham gia giao thông (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tại khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được quản lý, kiểm soát về khí thải và từng bước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường;

-100% xe buýt tại Hà Nội sử dụng điện/năng lượng xanh vào năm 2030; các tỉnh thành khác đạt mục tiêu tối thiểu theo Quyết định 876/QĐ-TTg;
- 100% công trường xây dựng nội đô và phụ cận được kiểm soát chặt chẽ về bụi, sử dụng thiết bị giám sát cho phương tiện vận chuyển;
- Chấm dứt hiện tượng đốt chất thải, đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng; 100% các cơ sở tâm linh, tôn giáo có giải pháp giảm đốt vàng mã;
Tuy nhiên, như ông Thức nhấn mạnh, “vấn đề then chốt vẫn là nguồn lực” gồm cả tài chính, công nghệ và con người. Trong khi ngân sách môi trường ở nhiều tỉnh còn hạn chế, sự tham gia của tư nhân, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được kích hoạt hiệu quả.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, việc chuyển từ một đề án sang kế hoạch hành động quốc gia là sự thay đổi về cách tiếp cận: thay vì Trung ương làm hết, nay giao rõ việc, phân cấp trách nhiệm cho địa phương và các ngành.
“Chúng ta cần chuyển từ ứng phó sang chủ động kiểm soát, từ xử lý sự vụ sang lập kế hoạch lâu dài”, Bộ trưởng nói. Ông nhấn mạnh đây là thời điểm “không thể chần chừ”, bởi nếu không hành động ngay, hậu quả môi trường trong tương lai sẽ khiến Việt Nam phải trả giá đắt cả về sức khỏe cộng đồng lẫn phát triển kinh tế.