Mời nghe chương trình tại đây:
Từ năm 2019 đến nay, nước ta chứng kiến nhiều biến động lớn về thị trường lao động. Do ảnh hưởng của dịch covid 19, thị trường lao động ngừng trệ, nhiều người mất việc phải hoặc phải chuyển đổi việc làm từ khu vực chính thức sang phi chính thức. Đến năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi thị trường lao động cũng có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, từ năm nay, xu hướng cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy đang diễn ra sâu rộng trên cả nước, việc sáp nhập các đơn vị hành chính và cơ quan nhà nước đã đặt ra nhiều thay đổi lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Không ít người trong số đó buộc phải nghỉ việc, chuyển đổi vị trí, hoặc bước vào thị trường lao động mới với nhiều thách thức.
Theo thống kê, số người bị ảnh hưởng do sắp xếp, tinh giản là khoảng 200.000 người. Điều đó cho thấy, nhu cầu về an sinh xã hội của người lao động trong giai đoạn hiện nay là rất cấp bách. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, Luật việc làm (sửa đổi) đã dược các đại biểu đưa ra thảo luận với nhiều nội dung đáng chú ý, thể hiện định hướng cải cách toàn diện chính sách việc làm và bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động. Đa số các đại biểu bày tỏ thống nhất việc sửa đổi toàn diện Luật Việc làm để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững.

Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu băn khoăn về quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp, tính khả thi của quy định khi áp dụng vào thực tiễn. “Cần làm rõ, quy định cụ thể và chi tiết hơn đối với đối tượng người lao động nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện giúp xác định cụ thể những ai được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai hoặc vận dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương, cơ quan thực hiện. Trên thực tế, quy định thiếu chi tiết về đối tượng thụ hưởng đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những nhóm lao động có đặc thù khác biệt so với lao động truyền thống như: lao động tự do không có quan hệ lao động chính thức (không ký hợp đồng lao động), lao động hoạt động trong khu vực phi chính thức”, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương nêu ý kiến.

Để hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Tâm, đoàn Quảng Bình kiến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu lại quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, cần bảo đảm dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng một cách tương xứng. Những trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm việc theo đúng quy định của Luật viên chức; người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đề nghị Ban soạn thảo cũng cân nhắc điểm a và điểm b của khoản này. Bởi lẽ người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động là mối quan hệ lao động còn việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Từ trước đến nay trong khi làm chính sách chúng ta vẫn đưa vào đầy đủ các nhóm đối tượng nhưng khi thực hiện thì một số nhóm như người lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm nền tảng, công nghệ mới…lại không được tham gia. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội, Luật việc làm (sửa đổi) lần này hướng đến đáp ứng và mở rộng quyền lợi của các đối tượng khác nhau để đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các chính sách. Đây là một cải cách rất lớn nhằm mở rộng lưới an sinh cho người lao động trong bối cảnh hiện nay. Chẳng hạn như Luật đã mở rộng chính sách tín dụng cho nhiều đối tượng tham gia như: xuất khẩu lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, học sinh, sinh viên; người lao động được kết nối các thông tin về hỗ trợ việc làm, được tạo việc làm.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước là một cú hích rất lớn đối với thị trường lao động. Vì vậy, việc mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp vừa là nhu cầu khách quan vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bất cứ một chính sách nào cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý quỹ. Hiện nay, theo quy định là người chủ sử dụng lao động đóng 1%, người lao động đóng 1%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Vì vậy, với việc cân đối quỹ như vậy thì bà Lan Hương khá lạc quan khi Luật việc làm (sửa đổi) mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề về cải cách tài chính, quản lý quỹ vẫn cần có sự thay đổi để làm thế nào quỹ được sử dụng một cách hiệu quả. Để làm được điều này, ngoài vai trò của nhà nước thì chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng rất quan trọng.
Luật việc làm (sửa đổi), đặc biệt là các quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, công chức - một chính sách mang tính nhân văn phù hợp với xu thế hiện đại hóa nền hành chính và đảm bảo an sinh trong khu vực công. Hy vọng rằng với những điều chỉnh hợp lý và đồng bộ luật việc làm sẽ không chỉ là khung pháp lý vững chắc mà còn là chỗ dựa cho hàng triệu người lao động giúp họ yên tâm hơn khi đối mặt với thay đổi tự tin chuyển đổi nghề nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước tới đây./.