Bà Lê Thị Hậu, Phó Giám đốc Ban Quản lý và xử lý nợ rủi ro, NHCSXH trao đổi về việc gia hạn nợ, khoanh nợ và xóa nợ:

Sau cơn bão số 3 - bão Yagi, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang có hơn 4 nghìn ha rừng kinh tế thì có đến gần nửa bị gãy đổ, thiệt hại lên tới gần 107 tỷ đồng. Sau bão, để hỗ trợ khách hàng vay vốn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Động đã rà soát và thực hiện gia hạn nợ cho 193 hộ trên tổng số 700 hộ vay vốn trong đó có gia đình anh Trần Văn Nguyên. Với 5ha rừng kinh tế bị gãy đổ, trong đó có 3ha keo 1 năm tuổi mất trắng, nếu không được gia hạn nợ và vay vốn đầu tư trồng lại thì nguy cơ tái nghèo là hiện hữu.

Bà Lê Thị Hậu, Phó Giám đốc Ban Quản lý và xử lý nợ rủi ro, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết: Cơn bão Yagi tháng 9/2024 đã gây ảnh hưởng tới 50.727 khách hàng vay vốn tại NHCSXH với tổng số tiền 3.338 tỷ đồng. NHCSXH đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng như: chưa thực hiện thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng trong thời hạn 3 tháng tính từ thời điểm cơn bão xảy ra; gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng; Giảm lãi suất cho vay 2%/năm đối với các khoản vay có dư nợ từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Căn cứ mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng đã khẩn trương và kịp thời hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý nợ rủi ro nhằm tạo điều kiện giúp khách hàng khắc phục hậu quả do thiên tai, ổn định cuộc sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Hiện nay NHCSXH đang áp dụng ba biện pháp xử lý nợ bị rủi ro là gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ, được quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Các biện pháp này nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, thay đổi chính sách của Nhà nước, biến động chính trị, kinh tế -xã hội, dịch bệnh ở nước ngoài ảnh hưởng tới người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn ở nước ngoài, khách hàng hoặc thành viên trong hộ gia đình gặp rủi ro về sức khỏe, khách hàng bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể. Cụ thể:

- Gia hạn nợ là NHCSXH cho phép khách hàng được kéo dài thời hạn trả nợ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Trong thời gian gia hạn nợ, khách hàng vẫn phải trả lãi tiền vay. Thời gian gia hạn tối đa không quá 12 tháng đối với khoản vay ngắn hạn và không quá một nửa thời hạn cho vay đối với khoản vay trung và dài hạn.

- Khoanh nợ là NHCSXH chưa thu nợ của khách hàng và không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian được khoanh nợ. Căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ thiệt hại, thời gian khoanh nợ, khả năng trả nợ, khách hàng sẽ được xem xét khoanh nợ tối đã 3 năm hoặc tối đa 5 năm.

- Xóa nợ (gốc, lãi): là việc NHCSXH không thu một phần hoặc toàn bộ gốc, lãi của khách hàng đang còn dư nợ tại NHCSXH. Khách hàng được xem xét xóa nợ khi tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn không có khả năng trả nợ và thuộc một trong các nguyên nhân xóa nợ do Thủ tướng Chính phủ quy định và đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thu được nợ.

Sau hơn 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, đến ngày 30/4/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là 386.467 tỷ đồng với 6.871.873 khách hàng còn dư nợ. hơn Ba trăm tám mươi sáu ngàn tỷ đồng với hơn 6.8 triệu khách hàng còn dư nợ. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 2.088 tỷ đồng, chiếm 0,54% tổng dư nợ, trong đó, nợ quá hạn 829 tỷ đồng, chiếm 0,21% tổng dư nợ; nợ khoanh 1.259 tỷ đồng, chiếm 0.33% tổng dư nợ.

Do đáp ứng vốn cho đối tượng khách hàng đặc thù là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nên NHCSXH có những biện pháp xử lý nợ rủi ro đặc thù. Khác với các ngân hàng thương mại, NHCSXH có thể áp dụng biện pháp khoanh nợ (không tính lãi trong thời gian khoanh nợ), xóa nợ (gốc và lãi) trong những trường hợp đặc biệt, điều mà các ngân hàng thương mại thường không thực hiện. Những biện pháp này thể hiện vai trò của NHCSXH trong việc hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển bền vững, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội - bà Lê Thị Hậu nhấn mạnh.