Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.

Mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có tư duy công nghệ, năng lực sáng tạo và khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu; sẵn sàng đảm nhiệm các vị trí việc làm trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo quyết định được ban hành, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo trình độ cử nhân, kỹ sư, tổ hợp xét tuyến theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trong đó yêu cầu phải có môn Toán; Có ít nhất một môn thuộc Khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.

Tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 80% điểm xét (VD: tối thiểu thí sinh phải đạt 24/30 điểm đối với tổ hợp 3 môn).

Chuẩn đầu vào cũng đặt yêu cầu bài thi môn Toán phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét (tối thiểu phải đạt 8/10 điểm).

Đối với các phương thức tuyển sinh khác, Bộ GD-ĐT cũng quy định, điểm trúng tuyển phải quy đổi tương đương.

Sinh viên đã có bằng đại học muốn đăng ký theo học các chương trình về vi mạch bán dẫn bên cạnh có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp với ngành đào tạo dự tuyển thì điểm trung bình tích lũy đối với chương trình đào tạo đã tốt nghiệp phải đạt từ 2,8/4 trở lên.

Về khối lượng học tập, Bộ GD-ĐT quy định, đối với chương trình đào tạo cử nhân sinh viên phải học 120 tín chỉ; trình độ kỹ sư (bậc 6 và bậc 7) học 150 tín chỉ.

Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ, học viên phải tích lũy đủ 60 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp đại học thuộc cùng nhóm ngành đào tạo.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn phải đáp ứng các yêu cầu về chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo của khối ngành/lĩnh vực/ngành đào tạo tương ứng.

Cơ sở đào tạo sẽ xây dựng các chuẩn đầu ra với mức độ năng lực phù hợp với đặc thù của từng chương trình đào tạo, nhưng phải đáp ứng tối thiểu theo Thang trình độ năng lực Bloom tương ứng với từng trình độ đào tạo (Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ).

Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/9/2024 đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.

Đến năm 2050, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.