Chiếc chậu nhỏ đựng nước cũng có thể trở thành nguy cơ

Tai nạn đuối nước ngay trong nhà, nghe có vẻ khó tin, nhưng lại là thực tế đã được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bác sĩ Hoàng Văn Cường, chuyên gia đến từ Tổ chức giáo dục sức khỏe Wellbeing chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ đuối nước chỉ xảy ra khi đi bơi, đi biển hoặc ở các khu vui chơi. Nhưng thực ra, nguy cơ ấy tồn tại ngay trong nhà, từ một cái chậu nhỏ, một thùng sơn, đến cả bồn tắm hay bể cá cảnh”.

BS Cường lý giải, với trẻ từ 1-3 tuổi, nếu bị ngã úp mặt xuống chậu hoặc xô nước, khả năng tự vùng dậy gần như là không thể. Cơ thể trẻ nhỏ quá yếu để có thể đẩy đổ một vật chứa nước cao như thùng sơn hay xô giặt. Chỉ cần 5cm nước thôi, tưởng là vô hại cũng có thể cướp đi mạng sống trẻ nhỏ, nhất là khi ngã úp mặt vào.

“Việc xác định mực nước bao nhiêu là nguy hiểm thực sự rất khó, bởi khi trẻ ngã vào, áp lực cơ thể sẽ làm dâng mực nước lên. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh tuyệt đối không được để nước tồn đọng trong nhà sau khi sử dụng”, BS Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh chậu nước hay thùng sơn, có nhiều vật dụng tưởng chừng vô hại khác cũng tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Đó có thể là thùng đá lạnh, bể cá cảnh, hòn non bộ trong sân vườn, thùng chứa nước mưa, thậm chí là... bồn cầu. Trong các gia đình có điều kiện, bồn tắm cũng là nơi tiềm ẩn nguy hiểm nếu trẻ nghịch nước khi không có người lớn trông coi.

Trên thực tế, đã từng xảy ra nhiều tai nạn đuối nước trong bồn tắm khi người lớn chỉ rời mắt vài phút. Trẻ nhỏ không cần mực nước sâu, chỉ cần một tình huống bất cẩn là tai nạn đã có thể xảy ra.

5 nguyên tắc quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi đuối nước tại nhà

Để phòng tránh nguy cơ đuối nước trong chính ngôi nhà của mình, bác sĩ Hoàng Văn Cường đưa ra 5 khuyến cáo thiết thực:

1. Luôn giám sát trẻ nhỏ: Không rời mắt khỏi trẻ, đặc biệt là trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Việc trông trẻ không nhất thiết phải “kè kè” bên cạnh, nhưng luôn phải giữ trẻ trong tầm quan sát.

2. Không để nước tồn đọng: Sau khi sử dụng, cần đổ hết nước trong các xô chậu, thùng đựng, bồn tắm, bể trữ nước…Việc này không chỉ ngăn ngừa đuối nước mà còn giúp loại bỏ môi trường sinh sôi của muỗi gây sốt xuất huyết.

3. Đậy kín các nắp bồn cầu, bể nước, thùng chứa nước: Đây là những nơi dễ khiến trẻ ngã chúi đầu xuống khi tò mò nghịch ngợm.

4. Lắp khóa an toàn cho nhà tắm, sân vườn: Đặc biệt quan trọng với các khu vực như giếng nước, bể cá, hoặc những nơi có khả năng đọng nước. Khi không sử dụng, cần khóa lại để tránh trẻ vào chơi một mình.

5. Giáo dục kỹ năng phòng tránh sớm cho trẻ: Dù trẻ còn nhỏ, nhưng việc lặp lại những cảnh báo về nguy cơ đuối nước là cần thiết. “Dạy trẻ về nguy hiểm của nước không bao giờ là quá sớm. Trẻ có thể không hiểu ngay, nhưng qua thời gian, thông điệp sẽ thấm dần”, bác sĩ Cường khuyên.

Chúng ta thường mải mê tìm kiếm những hiểm họa đâu đâu, mà quên mất rằng đôi khi tai họa lại ẩn nấp ngay trong ngôi nhà thân yêu. Những vật dụng đơn giản nhất, nếu thiếu đi sự cẩn trọng có thể trở thành “sát thủ vô hình” đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, đừng chủ quan và hãy hành động ngay hôm nay, để ngôi nhà thực sự là nơi an toàn tuyệt đối cho con trẻ.