Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Nguyễn Minh Quang, sinh viên Học viện Ngoại giao từng không vào được trường THPT mong muốn cho rằng việc đỗ trượt trong những tháng năm học tập từ phổ thông đến đại học khá phổ biến và không tác động đến mức thay đổi toàn bộ tương lai mỗi cá nhân.

Từ trải nghiệm bản thân, Minh Quang cho rằng con đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng và dễ dàng. Minh Quang nhớ lại thời điểm trượt chuyên Văn trường THPT Chu Văn An trong khi đã tập trung ôn luyện rất nhiều với mục tiêu đỗ chuyên.

“Thực ra khi trượt chuyên, bản thân mình cũng khá buồn và thất vọng. Khi đó, bố mẹ cũng động viên mình nhiều bởi kết quả đỗ vào THPT Phạm Hồng Thái, một trường công thuộc diện khá ở khu vực nội thành".

Khi vào lớp 10 mình cũng chưa thực sự chuyên tâm học tập hay định hướng gì cho tương lai sẽ học đại học gì hay ngành nào nên kết quả học bạn cũng không thuộc diện xuất sắc gì. Cho đến một ngày, khi chuẩn bị lên lớp 11, mình nói với bố mẹ việc sẽ đăng kí vào học viện Ngoại giao. Và bố mẹ khẳng định ngay rằng mình sẽ không thể đỗ vào ngôi trường này. Quả cũng khó thật khi mình chỉ học một trường công lập bình thường, không có học bạ chuyên, kết quả học bạ cũng chưa có gì nổi bật”, Minh Quang nhớ lại.

Tuy nhiên, chính sự phủ nhận của bố mẹ khiến Minh Quang khi đó đặt quyết tâm sẽ đỗ Học viện Ngoại giao bằng một bản kế hoạch chi tiết. Bắt đầu từ việc nghiên cứu đề án tuyển sinh của trường, xem xét các phương thức xét tuyển, điểm đầu vào từng ngành theo từng năm để đặt ra kế hoạch chi tiết cần đạt. Ví dụ như học bạ cần sử dụng những môn học nào, kết quả cần đạt ra sao...? Việc học và thi chứng chỉ IELTS cũng bắt đầu được triển khai đồng thời với việc đặt mục tiêu thi học sinh giỏi bộ môn Lịch Sử nhằm có thêm cơ hội xét kết hợp nhiều tiêu chí.

Và mặc dù nỗ lực hết sức nhưng có những mục tiêu theo Minh Quang không phải dễ dàng đạt được ngay. Thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế phải đến lần thứ 3, bạn trẻ này mới đạt được kết quả tạm ổn theo yêu cầu đề án tuyển sinh.

“Trước mỗi thất bại về thi cử, việc bản thân rất buồn là điều có thật. Mình cũng từng rơi vào những giai đoạn như vậy, buồn đến mức không thiết tha điều gì, làm gì thì vẫn thấy buồn, đứng rửa bát cho mẹ còn không tập trung...

Nhưng rồi đến một lúc bản thân mình nhận ra rằng buồn cũng không giải quyết được vấn đề khi mà không thể làm lại, chẳng thể thi lại được, kết quả dù thế nào cũng đã có rồi. Mình vẫn phải tiếp tục tiến lên phía trước nên thay vì buồn cần phải sớm xác định phương án và giải pháp cho chặng đường tiếp theo”.

Vẫn tiếp nối mạch chuyện lựa chọn, Minh Quang đưa ra chỉ dẫn cho các em 2K7 khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ đứng trước lựa chọn cho tương lai nghề nghiệp. Thứ nhất, giống như Minh Quang, khi đã rất thích một trường đại học, bạn sẽ đặt nguyện vọng ở các ngành của trường lên đầu. Và trải nghiệm học ở một chuyên ngành khác so với dự định ban đầu theo Minh Quang “không tồi”, thậm chí còn nhiều mới mẻ và hấp dẫn.

Trong trường hợp rất thích, rất đam mê một ngành học cụ thể thì chiến thuật lại có chút thay đổi. Đó là đặt tất cả các nguyện vọng đầu tiên vào đúng ngành học đó ở các trường đại học khác nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp, từ trường top đầu đến các trường thấp hơn.

Còn với trường hợp thi tuyển vào 10 chưa đạt được kết quả như mong ước, Minh Quang cho rằng đương nhiên sẽ rất buồn. Nhưng cùng với sự động viên từ phụ huynh, bản thân các bạn cũng cần sớm xác định lại bản thân, đặt ra những mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo. Có thể ngay lập tức chưa phải mục tiêu học tập, thi cử mà trở lại với các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kĩ năng nhằm lấy lại cân bằng cũng như vượt qua buồn chán, thất vọng.

Trong nhiều trường hợp phụ huynh thiếu tâm lí, không gần gũi chia sẻ, động viên, Minh Quang cho rằng sẽ khiến thời gian vượt qua thử thách thi trượt sẽ khó khăn và mệt mỏi lâu hơn.

Nhưng theo bạn trẻ này, quan trọng nhất là việc tự tháo gỡ áp lực, thất vọng của bản thân. Đây mới thực sự là rào cản cho chặng đường tiếp theo bởi nó sẽ làm mất động lực cũng như mất đi khả năng định vị lại bản thân trong việc lựa chọn và theo đuổi mục tiêu mới.

TS Nguyễn Thị Chính, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định “Kì thi đã khép lại rồi và kì thi dù quan trọng đến mấy cũng không thay thế được cuộc sống hiện tại và tương lai phía trước".

Vậy nên dù đã có chuyện gì xảy ra, mỗi bạn trẻ cũng cần “tạm đóng cửa” câu chuyện mùa thi, cho phép bản thân thư giãn, cân bằng lại cuộc sống. Ví dụ một năm qua đã dồn hết sức lực cho ôn luyện, thay đổi thói quen, cách thức sinh hoạt thì cần trở lại nếp sống bình thường.

Và điều quan trọng nằm ở việc mỗi bạn trẻ học được gì từ chính thất bại thi cử để trưởng thành hơn.

Đỗ vào trường top 1, thành tích học xuất sắc, đó được xem như một khởi đầu tốt nhưng không đảm bảo rằng bạn sẽ thành công trong tương lai. Điều này đã được thực tế chứng minh. Kiến thức nhà trường chỉ thực sự hữu dụng khi bạn có nhiều kĩ năng khác, ngoài kĩ năng học tập. Và thất bại trong những tháng năm học tập là cơ hội tốt để các bạn nhìn lại bản thân, tự rút ra kinh nghiệm hoặc đánh giá đúng năng lực, sở trường cũng như có lựa chọn phù hợp trong từng giai đoạn tiếp theo. Và thành công vẫn chờ bạn ở phía trước.