Bởi dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng những năm trước mọi người vẫn quen thuộc hình ảnh một người nghệ sĩ gầy gò, cao tuổi, nhưng nét tài tử, chỉn chu ngày nào vẫn còn đó. Nghệ sĩ ưu tú Trần Phương những năm tháng cuối đời sống một mình trong căn nhà cấp 4 trên đường Tầm Vu, quận Ninh Kiều, Cần Thơ vẫn có thể tự đi chợ, nấu ăn, giặt giũ… và vẫn có thể điều khiển xe gắn máy để thăm hỏi bạn bè, người thân. Hay vài năm về trước người phát thanh viên kỳ cựu Trần Phương hàng ngày đều đặn, chậm rãi đến Phòng thu tại Đài PT-TH Cần Thơ, để “nói” trên sóng phát thanh; hay dành thời gian truyền đạt lại những kinh nghiệm của nghề phát thanh viên đến các thế hệ trẻ một cách tỉ mỉ, trách nhiệm đến từng câu chữ.

Những người bạn, người em trong tổ Phát thanh viên đã từng gắn bó, làm việc với NSUT Trần Phương và CQTT Đài tại ĐBSCL đến thăm ông năm 2022.

Những lần ngồi nghe ông chia sẻ lại quãng đời của mình, hay những lần được dịp chứng kiến ông gặp lại những người bạn, người em trong tổ phát thanh viên thời trước hay trong nhóm tập kết về Đài TNVN, “lên sóng giọng Nam bộ”, chúng tôi cảm nhận được tình yêu nước và sự tự hào đầy kiêu hãnh của người nghệ sĩ.

Với giọng đọc truyền cảm, ấm áp, trầm hùng khoáng đạt của người con gốc Long Xuyên, những tin tức thời chiến này đã theo cánh sóng đến với hàng triệu người Việt Nam, đi theo những sự kiện lớn của đất nước. Đó là những đêm trực chiến suốt Tết Mậu Thân 1968; thông báo số 2 về sức khỏe Bác Hồ và những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969); ký kết Hiệp định Paris 1973… và phát thanh viên Trần Phương cũng là người đọc bài bình luận đầu tiên vào chiều 30/4/1975 trên sóng Đài TNVN khẳng định với toàn thế giới rằng “Mỹ cút ngụy nhào”, đất nước Việt Nam đã giành được độc lập, thống nhất.

Khoẻ khoắn và tráng kiện, chất giọng của Nghệ sĩ ưu tú Trần Phương thật sự là một giọng đọc hiếm có trong giới Phát thanh viên Việt Nam. Ông cũng chính là người đã đọc lời bình cho rất nhiều phim tài liệu trong đó có bộ phim tài liệu nổi tiếng Chiến thắng đường 9 Nam Lào do điện ảnh quân đội thực hiện năm 1971. Nghệ sĩ Trần Phương cũng đã có hơn 4 năm rưỡi sang làm chuyên gia tại Đài Moscow thuộc Liên Xô (cũ).

Năm 1957 xuất hiện trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Trần Phương lập tức gây sự chú ý bởi giọng đọc khỏe khoắn truyền cảm đậm chất Nam bộ. Thời chiến tranh khói lửa, người lính trên chiến trường đêm đêm bên chiến hào vẫn thường lắng nghe giọng đọc Trần Phương để vững bền ý chí chiến đấu và mong ngày đất nước hòa bình.

Sau ngày nghỉ hưu, ông về sinh sống tại Cần Thơ và tham gia cộng tác với đài PT-TH Cần Thơ với 2 chuyên mục “Quốc phòng toàn dân Quân khu 9” và “Đọc chuyện đêm khuya”, thu hút và tiếp tục tạo sự quan tâm của thích giả yêu thích phát thanh lúc bấy giờ.

Gần như cả cuộc đời mình đã gắn bó và xuất hiện liên tục trên sóng đài phát thanh, nghệ sĩ Ưu tú Trần Phương đã đón nhận thật nhiều tình cảm yêu quý của thính giả gần xa. Dù bụi thời gian đã làm cho sức khỏe người nghệ sĩ ngày một vơi đi. Nhưng giọng đọc trầm ấm với âm vực rộng, khoáng đạt và hình ảnh người nghệ sĩ phong thái, chỉn chu vẫn đọng lại như in trong suy nghĩ, ký ức của biết bao người.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Phương là hiện tượng đặc biệt trong giới phát thanh viên Việt Nam. Giọng đọc của ông vẫn sống mãi trên làn sóng phát thanh, cuốn hút bao trái tim thính giả gần xa.

NSƯT Trần Phương, tên thật là Nguyễn Bá Thế, sinh năm 1935, quê quán xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ông tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi và tập kết ra bắc năm 1954. Năm 1957 Trần Phương chính thức về Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông vào Đảng năm 1977. Năm 1993, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSƯT và một năm sau đó thì về Đài PT-TH Cần Thơ. Người nghệ sĩ tên tuổi này đã có khoảng một năm rưỡi công tác ở Côn Minh (Trung Quốc) và 4 năm 7 tháng ở Liên Xô.

Lễ viếng được tổ chức từ lúc 17h ngày 22/11/2024 tại Nhà tang lễ Câu lạc bộ Hưu trí, Thành phố Cần Thơ. Di quan vào lúc 7h ngày 25/11/2024. Sau đó đưa đi an táng tại đất nhà – thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL