Kết quả giám sát kháng thuốc gần đây cho thấy, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường. Thực tế tại một số bệnh tuyến cuối cũng cho thấy, đã xuất hiện những ca bệnh kháng với toàn bộ các kháng sinh hiện có trên thị trường. Để điều trị cho những trường hợp này, các bác sĩ sẽ phải sử dụng nhóm kháng sinh thế hệ mới, với chi phí rất cao và không được BHYT chi trả.
Để làm chậm sự tiến triển của kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của tình trạng này, năm 2023, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực y tế.
Thông tin với phóng viên VOV2 tại lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” do Bộ Y tế tổ chức vào sáng 22/11, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, để thực hiện mục tiêu chung là phòng chống kháng thuốc, kế hoạch phòng chống kháng thuốc do Bộ Y tế xây dựng tập trung vào một số nội dung như, tăng cường sự phối hợp liên ngành, truyền thông nâng cao nhận thức, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động giám sát. "Giám sát để biết thực trạng kháng kháng sinh đang như thế nào, đây là trách nhiệm chính của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Hiện tại đã có 50% số bệnh viện trực thuộc Bộ tham gia vào mạng lưới kháng thuốc. Chúng tôi yêu cầu mỗi một tỉnh, thành phố phải có 1 bệnh viện tham gia vào mạng lưới này. Từ kết quả giám sát này chúng ta sẽ biết được tình trạng kháng thuốc đang ở mức độ nào, từ đó mới có giải pháp phù hợp" - TS Hà Anh Đức cho biết.
Cũng theo TS Hà Anh Đức, việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động như hiện nay. Kháng thuốc khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng khó khăn hơn hoặc không thể và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh nặng và tử vong. Kháng thuốc cũng tạo gánh nặng lớn về chi phí cho cả hệ thống y tế và nền kinh tế.
Trong "Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ 18 đến 24/11 năm nay Tổ chức Y tế thế giới đã chọn chủ đề "Giáo dục, Vận động, Hành động ngay", nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.
"Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ, cho thấy việc này không thể chần chừ được nữa" - TS Hà Anh Đức nhấn mạnh.