Nguyễn Xuân Hậu sinh năm 1949 trong một gia đình nông dân nghèo đông con. Ông là con trai thứ 3, không có điều kiện để học hành nhiều. Khi xã Việt Long, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) dấy lên phong trào thanh niên tình nguyện tòng quân đi chiến trường đánh Mỹ, trai gái đua nhau ghi tên trong đợt tuyển quân sớm nhất. Dù chưa đủ tuổi tòng quân nhưng Nguyễn Xuân Hậu vẫn xung phong ra chiến trường, đến tháng 12/1967, ông trở thành xạ thủ số 1 của Tiểu đội 2, Trung đội 3, đại đội 18 súng máy cao xạ 12,8mm, Trung đoàn 320.

Lần đầu tiên đặt chân nơi cánh rừng Tây Nguyên, nhìn núi đồi trơ trụi, xơ xác sau những cuộc càn quét đánh phá bằng mọi thứ hỏa lực của quân đội Mỹ, ông Hậu hiểu rõ sứ mệnh của đồng đội và bản thân mình trong các trận chiến đấu tiếp theo. Được huấn luyện gấp và học tập kinh nghiệm của đồng đội, ông đã nhanh chóng thích nghi. “Tôi nhập ngũ khi đó còn trẻ lắm... cũng phải báo sai tuổi để đi... Vào đơn vị ban đầu chưa biết nhiều về bắn súng cao xạ nhưng sau nhờ chịu khó tìm hiểu tôi thích ứng rất nhanh", CCB Nguyễn Xuân Hậu kể lại.

Năm 1968, đồng chí Hậu được bổ nhiệm làm khẩu đội phó Khẩu đội 1 thuộc Trung đội 1, Đại đội 18 súng máy cao xạ 12,8mm. Khi Sư đoàn "Anh cả đỏ" của Mỹ ra giải toả thị trấn Lộc Ninh, Khẩu đội 1 dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Vũ Xuân Chế, Chính trị viên, Phó đại đội, đã bố trí trận địa tại một mảng trống giữa rừng cao su ở phía bắc Đường 13, sẵn sàng chi viện cho bộ binh ta và đánh địch trên không.

Lúc 13 giờ ngày 13/9/1968, một tốp 5 chiếc trực thăng của địch lượn đi lượn lại trên đầu Khẩu đội, ngay lập tức đồng chí Vũ Xuân Chế, với kinh nghiệm chiến đấu dạn dày đã hạ lệnh Khẩu đội 1 tiêu diệt nó. Khi mục tiêu lọt vào đường ngắm chuẩn, xạ thủ Nguyễn Xuân Hậu xiết cò điểm xạ ngắn. Chiếc trực thăng bùng lửa. Ông tiếp điểm xạ thứ hai, khiến nó đứt đôi, rơi xuống rừng cao su bên cạnh. Mặt đất rung lên từng đợt, mù mịt khói, khét lẹt. Một đại đội bộ binh của ta xông tới quần nhau với lũ bộ binh địch. Đối phương đã bằng mọi giá, cướp xác chết từ đống tro tàn đưa lên máy bay trực thăng chuồn thẳng, bỏ lại hàng chục xác đồng bọn nằm ngổn ngang mặt rừng… Sau khi thêm 1 máy bay rơi, không còn chiếc trực thăng nào dám bay thấp vào khu vực trận địa của ta nữa. Tiếng súng cũng ngớt dần. Chiều tối hôm đó, Sư đoàn 7 thông báo tới các đơn vị: Khẩu đội 1, trực tiếp là xạ thủ số 1 Nguyễn Xuân Hậu, đã bắn rơi chiếc máy bay trực thăng chở viên tướng 2 sao MG Keith L.Ware (Ku-Oét) cùng một số tuỳ tùng chỉ huy lực lượng Sư đoàn "Anh cả đỏ" của Mỹ, làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ mặt trận miền Đông Nam Bộ. “Mất tướng, địch như rắn mất đầu"- chớp thời cơ, Sư đoàn 7 liên tục tiến công. Mấy hôm sau, bộ đội ta diệt thêm 2 tiểu đoàn, hàng chục xe và 6 máy bay nữa, Sư đoàn "Anh cả đỏ" phải kéo về Bình Long. Cuộc càn của chúng bị bẻ gãy”. CCB Nguyễn Xuân Hậu hào hứng kể.

Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở mặt trận Lộc Ninh, ngày 5/2/1969, Trung đoàn 320 được Bộ Chỉ huy Miền điều về miền Tây Nam bộ. Ông Nguyễn Xuân Hậu được đi học, rồi về làm cán bộ ở Đại đội 2 (bộ binh) thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 320. Đầu năm 1972, ông được điều trở lại Đại đội 18 súng máy cao xạ 12,8mm, giữ chức đại đội phó.

Năm 1975 ông Nguyễn Xuân Hậu xuất ngũ về quê hương theo chế độ mất sức với quân hàm Trung úy, cấp bậc đại đội phó, thương binh hạng 3/4. Giấy chứng nhận của Trung đoàn 320 về thành tích chiến đấu của ông ghi: 1 Huân chương chiến công Hạng nhất, 2 Huân chương chỉến sỹ giải phóng (hạng 2, 3), dũng sĩ diệt máy bay địch, dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ quyết thắng cấp III. Trở về quê, CCB Nguyễn Xuân Hậu kết hôn với người con gái đã thầm thương nhớ ông suốt những năm tháng chiến đấu. Đó là bà Nguyễn Thị Nam, giáo viên mầm non, cùng quê với ông.

Mặc dù mang trong mình những vết thương chiến tranh nhưng CCB Nguyễn Xuân Hậu tham gia công tác địa phương với cương vị: Chủ tịch MTTQ, Xã đội phó, Phó ban Thương binh xã hội xã Việt Long hơn 10 năm qua. Bên cạnh đó, ông đã cùng người vợ yêu thương xây dựng tổ ấm nuôi dạy con cái trưởng thành có công ăn việc làm ổn định.

Những năm tháng chiến đấu vẻ vang của CCB Nguyễn Xuân Hậu đã lùi vào dĩ vãng nhưng trong hành động và suy nghĩ, ông không ngừng học tập, lao động sản xuất, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương sáng cho con cháu và đồng đội noi theo.

Mời quý vị và các bạn nghe phóng sự sau đây: