Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều biến đổi lớn. Để đẩy mạnh kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt – Trung.

Ngày 7/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới Đông Bắc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng phong II, tiến công phòng tuyến của địch trên đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng - Thất Khê. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch.

Đây là lần đầu tiên sau bốn năm kháng chiến ta mở một chiến dịch tiến công lớn, đánh vào tuyến phòng thủ mạnh của địch, nhằm thực hiện những mục tiêu chiến lược quan trọng. “Chiến dịch Biên Giới Thu Đông (1950) đã chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn, gây nên thất bại chưa từng có trong chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp thời điểm lúc bấy giờ” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định.

Theo Đại tá Nguyễn Huy Toàn, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam, thời điểm này, được Mỹ giúp sức, thực dân Pháp ráo riết thực hiện Kế hoạch Rơ-ve, tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ; ra sức phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam; bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc. Với quyết tâm giành thắng lợi cho chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược quan trọng này, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp nghiên cứu tình hình, phê chuẩn kế hoạch tác chiến. Liên khu Việt Bắc là địa phương chính động viên sức người, sức của phục vụ chiến dịch.

Quân ta tham gia chiến dịch với lực lượng chủ lực của Liên Khu Việt Bắc cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Chiến dịch được phân chia làm ba mặt trận: mặt trận Đông Khê đánh cụm cứ điểm Đông Khê; mặt trận đánh quân ứng chiếm ở đoạn đường giữa Đông Khê - Thất Khê; mặt trận Na Sầm - Lạng Sơn có nhiệm vụ phá đường, tiêu hao, phục kích địch trên đoạn đường Thất Khê - Lạng Sơn.

Sáng sớm 16/9/1950, quân ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Mặc dù địch chống trả hết sức quyết liệt song với tinh thần dũng cảm, mưu trí, bộ đội ta đã tổ chức nhiều đợt xung phong tiêu diệt gọn từng cụm cứ điểm của địch. Sau 54 giờ chiến đấu, sáng ngày 18/9, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê. Chiến thắng oanh liệt của trận mở màn đã cổ vũ khí thế giết giặc lập công trên khắp các mặt trận, tạo thế thuận lợi cho những bước tiếp theo của chiến dịch.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu, nguyên Tiểu đoàn trưởng, chiến sĩ Trung đoàn 704, Sư đoàn 316 nhớ lại: “Lúc ấy tôi và anh em trong trung đội có nhiệm vụ phá hàng rào, lô cốt để mở đường cho trung đội xung kích, tiến lên chiếm trận địa. Tôi ôm quả bộc phá lô cốt nên bị thương ở tay phải. Chúng tôi đã viết quyết tâm thư sẵn sàng hy sinh nên khi ấy tôi nhờ đồng đội chặt giúp cánh tay để tiếp tục chiến đấu”.

“Để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch, quân ta đã huy động lực lượng lớn binh lực tập trung tại biên giới, kiên quyết đánh đòn then chốt giành toàn thắng. Cụ thể, quân ta mở một chiến dịch quy mô lớn với lực lượng gần ba vạn cán bộ, chiến sĩ, huy động hàng vạn dân công, tiến công vào một hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài hàng trăm km, đánh liên tục cả tháng” - GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết.

Với phương châm tác chiến là “đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính”, Chiến dịch Biên giới đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Sau 29 ngày đêm chiến đấu quyết liệt (16/9 đến 14/10/1950), chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã giành thắng lợi vang dội.

PGS.TS Vũ Đình Lễ, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng chiến thắng Biên giới (Thu - Đông 1950) đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của Quân đội ta về nghệ thuật tác chiến. Chiến dịch đã thay đổi cục diện chiến tranh, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiên chống thực dân Pháp xâm lược. Được giao “trọng trách đặc biệt” với quyền hạn lãnh đạo, chỉ huy lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết đoán mang tính độc lập, sắc bén, thể hiện tài thao lược và phong cách cầm quân đặc trưng.

“Chiến thắng Biên Giới Thu Đông 1950 đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Hơn 70 năm đã qua, song những bài học kinh nghiệm quý báu vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay” - Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định.

Với thắng lợi của Chiến dịch Biên giới Thu Đông, quân và dân ta càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau Chiến thắng Biên giới, quân và dân ta tiếp tục phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951 - 1953; tiến tới giành thắng lợi liên tiếp trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương./.