Đây là chiến dịch đặc biệt quan trọng, diễn ra rất ác liệt vì địch tăng cường phòng thủ và kêu gọi binh sĩ tử thủ. Tuy nhiên, sau khi tấn công không hiệu quả, ta đã dùng mưu kế đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở rộng đường tiến thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại. Chiến thắng này đã tạo thế, tạo địa bàn không chỉ cho Quân đoàn 4 mà còn Quân đoàn 2 từ phía Bắc tiến vào, có chỗ đứng chân, làm bàn đạp để Trung ương, Bộ Chỉ huy miền tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Để hiểu rõ hơn về trận chiến với những giá trị lịch sử quý báu này, phóng viên VOV2 đã có cuộc trò chuyện với Đại tá PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam:

PV: Thưa ông, chiến dịch Xuân Lộc được thành lập trong bối cảnh như thế nào?

PGS.TS Trần Ngọc Long: Khi đã giải phóng được 1 loạt các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, sau chiến thắng Đà Nẵng thì chúng ta phát triển. Với thế tiến công 1 ngày bằng 20 năm, chúng ta nhanh chóng giải phóng Quy Nhơn, giải phóng Tuy Hoà và giải phóng Nha Trang. Và 1 trong 2 phòng tuyến mà địch dựng lên chính là phòng tuyến Phan Rang ở vòng ngoài và phòng tuyến Xuân Lộc ở vòng trong.

Phan Rang được xem như "cửa tử", một phòng tuyến bảo vệ cho Sài Gòn từ xa. Còn Xuân Lộc được xem như là cửa cuối cùng phòng tuyến trực tiếp bảo vệ cho Sài Gòn Gia Định, thủ phủ của quân đội và chính quyền của Việt Nam cộng hòa…

Sau khi phòng tuyến Phan Rang bị chọc thủng, quân đội Sài Gòn tập trung binh lực giao cho sư đoàn 18 do tướng Lê Minh Đạo, viên tướng khét tiếng tổ chức phòng thủ... Ngay sau khi phòng tuyến Phan Rang mở ra thì cánh quân hướng đông đã hành quân thần tốc, tập kết vào khu rừng lá, cách Xuân Lộc độ khoảng 70-80 cây số. Lúc này, Bộ tư lệnh quân giải phóng miền Nam cũng có chủ trương – phải đập tan phòng tuyến Xuân Lộc bởi vì chừng nào phòng tuyến Xuân Lộc còn thì Sài Gòn còn, mất Xuân Lộc thì xem như số phận của Sài Gòn đã được định đoạt.

Ngay cơ quan tình báo CIA của Mỹ cũng như bộ máy chỉ đạo chiến tranh của Mỹ cũng chỉ thị cho quân đội Sài Gòn, yêu cầu Tướng Nguyễn Xuân Thiệu bằng mọi giá phải bảo vệ phòng tuyến Xuân Lộc, chính vì vậy đã tập trung phòng thủ tại đây rất mạnh với trang bị vũ khí hiện đại. Ở Xuân Lộc quân đội Sài Gòn còn sử dụng bom CPU - tức là bom chỉ đứng sau bom nguyên tử. Và chúng ta biết ngày 9/4/1975 thì chiến dịch Xuân Lộc mở màn.

PV: Ý nghĩa của việc đập tan phòng tuyến Xuân Lộc để mở ra được cánh cửa Sài Gòn là gì, thưa ông?

PGS.TS Trần Ngọc Long: Việc mở chiến dịch Xuân Lộc là hết sức cần thiết và để đập tan phòng tuyến Xuân Lộc chúng ta đã tập trung lực lượng rất mạnh, với chủ lực quân giải phóng miền Nam và Sư 7 là sư nòng cốt, Sư 341 là lực lượng chủ lực. Ngoài ra, còn có lực lượng của quân đoàn 2 hình thành một cánh quân hương đông tập kết ở rừng lá vây sức ép cho phòng tuyến Xuân Lộc.

Trận chiến Xuân Lộc diễn ra từ ngày 9-21/4/1975, kéo dài với nhiều trận đánh liên tục mà 3 ngày đầu chúng ta hy sinh, tổn thất rất lớn. Vì địch tổ chức phòng thủ và với chiến thuật rất ma mãnh. Trong khi chúng ta chưa rút được kinh nghiệm. Có sư đoàn 3 ngày đầu mất đến 350 quân, tổn thất rất lớn.

Sau đấy chúng ta rút được kinh nghiệm, đưa lực lượng ra bao vây Xuân Lộc, cắt Xuân Lộc với Sài Gòn. Từ quyết định đó, Sài Gòn – Xuân Lộc bị cô lập thì từng bước một, chúng ta siết chặt vòng vây. Và cuối cùng là chọc thủng được phòng tuyến Xuân Lộc.

Sáng ngày 21/4, chiến dịch Xuân Lộc kết thúc, thì ngay buổi tối hôm đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải lên Đài Phát thanh tuyên bố từ chức và cuốn gói bỏ chạy.

Có thể nói chiến thắng Xuân Lộc mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo ra cục diện mới, đập tan 1 chướng ngại có thể nói là lớn nhất cho cánh hướng đông trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn của quân ta. Không những thế còn tạo ra 1 cú sốc tinh thần rất lớn, tác động trực tiếp đến chiến trường Sài Gòn, đến các chính sách, quyết sách của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Chiến trường Sài Gòn chao đảo, quân đội Việt Nam cộng hòa rơi vào cuộc hoảng loạn tinh thần chưa từng thấy. Và quân Mỹ mở chiến dịch di tản, người Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam với một cú sốc tinh thần khó có thể gột rửa...

PV: Thưa ông, chiến dịch Xuân Lộc đã để lại bài học gì trong việc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang?

PGS.TS Trần Ngọc Long: Chiến dịch Xuân Lộc cho chúng ta nhiều bài học giá trị, đặc biệt dưới góc độ chiến thuật quân sự. Chúng ta phải hiểu địch, nắm được địch và có được quyết sách đúng và kịp thời, nhưng quyết sách và kịp thời này phải bảo đảm độ chính xác phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế. Làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất cho chúng ta nhưng vẫn phải đảm bảo cho mục tiêu cuối cùng mà chiến dịch đã đề ra. Tôi cho đấy là bài học vận dụng sự sáng tạo nghệ thuật quân sự - đó là 1 trong những nét đặc sắc của phòng tuyến Xuân Lộc. Bởi lẽ 3 ngày đầu khi mà chúng ta không giải quyết được thì đã có những thay đổi về nghệ thuật quân sự.

Thứ hai là bài học về phát huy động viên được tư tưởng tích cực tiến công cho bộ đội. Bởi vì chỉ phòng tuyến Xuân Lộc mà không xây dựng được 1 tinh thần quyết tâm cao, tư tưởng tích cực tiến công cho bộ đội thì khó lòng mà chọc thủng được phòng tuyến, từ đó mở đường tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Một bài học nữa mà không thể không nhắc đến là bài học về tinh thần hiệp đồng của lực lượng vũ trang của quân chủ lực, của bộ đội địa phương và của lực lượng tại chỗ. Đặc biệt là của cơ sở chính trị quần chúng, cơ sở chính trị chúng ta xây dựng trong các đô thị ở miền Nam lúc bấy giờ.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Nghe cuộc phỏng vấn ngay dưới đây: