"Chiến tranh không phải trò đùa" - Đó là câu mở đầu của Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng khi nói về cuộc đời binh nghiệp của mình. Nhập ngũ năm 1976, Đặng Vương Hưng thuộc thế hệ những người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 do vậy ông thấu hiểu sự khốc liệt khi thế trận giằng co, xen kẽ, cài răng lược từ hai bên. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc thực chất đã kéo dài 10 năm gây ra biết bao đau thương mất mát.

Đại tá, CCB Đặng Vương Hưng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yên nước và đi theo cách mạng từ sớm. Ông nội là nhà nho từng tham gia phong trào Yên Thế, du kích Bắc Sơn và góp phần nuôi giấu, cưu mang nhiều đội viên du kích. Đến đời bố của Đặng Vương Hưng cũng là người giác ngộ đi theo cách mạng và truyền lại tình yêu đó cho ông. Ở làng Đồng Điều, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, gia đình Đặng Vương Hưng được đánh giá là “ gia đình đỏ” với nhiều thành tích trong cách mạng.

Hơn 15 năm phục vụ trong quân đội, khi hòa bình lập lại, cơ duyên đưa CCB Đặng Vương Hưng trở thành nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh. Năm 2004 Đặng Vương Hưng khởi xướng và sưu tầm xuất bản bộ sách "Những lá thư và nhật kí thời chiến VN", đồng thời ông cũng là tác giả của sự kiện Mãi mãi tuổi 20.

Cho đến bây giờ, khi đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, đến tuổi an nhàn bên gia đình, CCB Đặng Vương Hưng không cho phép mình ngơi nghỉ mà ông vẫn tiếp tục thực hiện đam mê với việc sưu tầm, biên tập và sáng tác các tác phẩm về đề tài chiến tranh. Hàng trăm lá thư, sổ tay nhật kí được CCB Đặng Vương Hưng dày công tìm kiếm và chắt lọc biên tập thành sách. Ông còn là tác giả của hơn 50 cuốn sách về đề tài chiến tranh. Và để lan tỏa hơn nữa những giá trị nhân văn với tinh thần khát vọng hòa bình, CCB Đặng Vương Hưng cùng cộng sự sáng lập Quỹ Mãi mãi tuổi 20 với nhiều buổi nói chuyện chuyên đề và những chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Là đồng đội cùng sát cánh trong những năm tháng chiến tranh, đại tá CCB Ngô Văn Học kể, những người lính cựu từng tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc đã cùng nhau lập ra nhóm Facebook "Trái tim người lính và Quỹ Mãi mãi tuổi 20" để tri ân và lan tỏa tình nghĩa đồng đội trong thời bình.

Cùng thế hệ những người lính cựu, không có nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ như Đại tá Đặng Vương Hưng. Với những việc mà ông và các cộng sự đang làm, đại tá Đặng Vương Hưng xứng đáng được coi là cầu nối giữa quá khứ hào hùng với hiện tại để nhắc nhớ cho thế hệ sau về sự hy sinh thầm lặng của những người lính đã ngã xuống cho độc lập dân tộc.