Ông Nguyễn Tiến Hà, quê gốc ở Hải Dương, năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông chia sẻ, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1944, dưới “vỏ bọc” là một thầy giáo, ông đã có những đóng góp vào việc kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại những kẻ áp bức, bóc lột. “Khi tham gia tuyên truyền, khuyến khích người dân đứng lên đấu tranh, tôi “đóng vai” giáo viên, đi dạy chữ quốc ngữ. “Bề nổi”, mình là người dạy chữ, xóa nạn mù chữ. Thực chất, việc mình làm là giác ngộ cách mạng cho quần chúng, tuyên truyền cho bà con biết mình đang bị áp bức, bóc lột, phải đứng lên để đấu tranh”, ông Hà nhớ lại

Sau đó, ông Hà gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ông cho biết, tổ chức này có nhiệm vụ tuyên truyền trong nhân dân hiểu về tôn chỉ mục đích của Mặt trận Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, kêu gọi lớp thanh niên đứng lên làm nòng cốt. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ này, ông nhớ nhất là sự kiện xảy ra tại Quảng trường Nhà hát lớn. Hôm đó, Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh hô hào nhân dân ủng hộ mình. Tuy nhiên, đội viên Đoàn thanh niên xung phong - Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã giành được micro, chiếm diễn đàn để tuyên truyền cách mạng. Một lá cờ đỏ sao vàng lớn phủ kín mặt trước lễ đài, quần chúng reo hò ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Cuộc mít tinh dưới sự dẫn dắt của Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã chuyển sang biểu tình, tuần hành rầm rộ. Đoàn đi qua nhiều tuyến phố, từ Nhà hát Lớn, qua các phố Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Cửa Bắc, vòng qua phủ Toàn quyền cũ của thực dân Pháp. Quân đội Nhật "án binh bất động". “Từ khi tham gia cách mạng, mình chủ yếu chỉ hoạt động chìm. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được cùng nhân dân tham gia một cuộc diễu hành công khai. Khí thế rầm rộ như thác vỡ bờ. Đi đến đâu hô khẩu hiệu đến đó: “Việt Nam độc lập muôn năm, Mặt trận Việt Minh muôn năm”, thu hút hàng ngàn người tham gia, thậm chí cả cảnh sát, cảnh binh”, ông Hà nhớ lại.

Ông Hà cho biết, ngay tối hôm đó, Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội họp ở ngoại thành Hà Nội. Dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết, Ủy ban đã quyết định lấy ngày 18/8/1945 là ngày chuẩn bị, và ngày 19/8 sẽ khởi nghĩa.

Sáng sớm ngày 19/8, tại Hà Nội, hàng vạn nông dân, dân nghèo từ Láng, Mọc mang theo cờ cách mạng kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực ngoại thành Hà Nội. Từ các tỉnh và huyện lân cận như Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Bắc Ninh… cũng mang theo cờ Việt Minh, vũ khí thô sơ, gậy gộc, tiến vào nội thành, tập trung trước Nhà hát Lớn. Đến trưa, trên Lễ đài ở Nhà hát Lớn, Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa và giới thiệu Ủy ban cách mạng lâm thời của Hà Nội. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn. “Ngày 19/8 thực chất là mình công khai mặt trận Việt Minh. Hôm đó, phía mình chia ra, một bộ phận đi chiếm Bắc bộ phủ, một bộ phận đi chiếm Sở mật thám,…Mình mềm dẻo để nó hạ vũ khí, mình không nổ súng nên Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng không có tiếng súng là vì thế. Mình giành chính quyền 1 cách êm ả”, ông Hà kể.

Theo ông Hà, cuộc khởi nghĩa ngày 19/8 của Hà Nội là tiếng vang mở đầu, lan nhanh, dội đi khắp nơi, có tác động quyết định, cổ vũ và tạo điều kiện, là kinh nghiệm để nhân dân các địa phương trên cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền sau đó. Để có chiến thắng ấy phải có sự vận động của Việt Minh, xây dựng được cơ sở cách mạng ở khắp nơi: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc… huy động sức mạnh của quần chúng, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản. Bản thân ông, trong “vỏ bọc” là một thầy giáo ông vẫn không ngừng thực hiện công tác tư tưởng, vận động nhân dân đấu tranh chống lại ách áp bức. “Hà Nội khi bị địch tạm chiếm thì quân đội ta có chủ trương đưa người mình vào đánh định ngay trong sào huyệt, đưa đội quân ngầm vào bí mật hoạt động. Trong số những người kiên trung, bất khuất và được tín nhiệm thì tôi được chọn để vào hoạt động”, ông Hà nhớ lại.

Ông Hà cho biết, năm 1950, ông bị địch phát hiện, bị bắt và tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, ông lại được những người đồng chí tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, sau đó được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù. Trong thời gian này, ông cùng Ban Lãnh đạo trại giam tổ chức cho những người đồng chí, đồng đội đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân. Cứ như vậy, ông miệt mài hoạt động cho đến khi được trả tự do.

Nghe bài viết dưới đây: