Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Loan tại Hà Nội là chiến sĩ Trung đoàn 9 - Cù Chính Lan anh hùng (nay là Trung đoàn 9, Sư đoàn 968), nơi đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng những năm chống Mỹ. Với các Cựu chiến binh Trung đoàn 9, đồng chí Lê Khả Phiêu không chỉ là một người chỉ huy tài giỏi, mẫu mực mà còn như một người “Anh cả” của đơn vị.

Tham gia giữ Huế trong 26 ngày đêm

Tháng 7/1967, chàng trai trẻ Ngọc Loan nhập ngũ mang trong mình niềm hào hứng và rực lửa khí thế chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đến tháng 1/1968, đồng chí Ngọc Loan được bổ sung vào lực lượng của Trung đoàn 9 – Cù Chính Lan anh hùng. Đồng chí Ngọc Loan được biên chế vào Tiểu đội 1, Đại đội 2 (Đại đội chủ công), tham gia chiến đấu trong Tổng tiến công và nổi dậy vào mùa Xuân năm 1968.

Tiểu đội 1 của đồng chí Ngọc Loan nhận nhiệm vụ tham gia đánh chiếm, cắm cờ tòa Tỉnh trưởng, đánh nhà Quốc hội, chiếm nhà ga, bệnh viện Huế, giải phóng nhà lao Thừa Phủ. Đồng chí Ngọc Loan rất vinh dự khi được giao nhiệm vụ mang quả bộc phá nặng 5kg để đánh các lô cốt kiên cố nhất của quân địch.

Hai cuộc chiến ác liệt của Tiểu đội 1, Đại đội 2

Cuộc chiến ở Huế rất ác liệt, phải kể đến cuộc hành trình giải cứu tù binh ở nhà lao Thừa Phủ. Để tiếp cận được nhà lao, các chiến sĩ phải qua cầu Trường Tiền khi hai đầu cầu là các khẩu Đại liên 30 của địch bắn liên tục.

Nhận lệnh từ đồng chí Chính ủy Lê Khả Phiêu, Đại đội đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, quân địch bỏ chạy, quân ta tiến công qua cầu Trường Tiền vào chiếm lĩnh nhà lao Thừa Phủ.

Sau khi vào chiếm lĩnh cánh cửa nhà tù thì địch đã cắt điện không thể mở cửa được. Quân ta sử dụng súng B40 bắn, khi bắn quả thứ 1 không được, đang chuẩn bị bắn quả thứ hai thì có một toán hàng binh xuất hiện và nói: “Mọi người theo chúng tôi”.

Lúc đó là 3h sáng ngày 1/1/1968, loạt người hô to: “Bộ đội giải phóng đã vào, bà con hãy dậy đi”. Khi đó gần sáng, quân ta đã giải thoát hơn 2.200 người khỏi nhà lao. Trong đó, giải cứu được đồng chí Nguyễn Hải Truyền, Du kích thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đến ngày 5/1/1968, đồng chí Trung đoàn trưởng Trần Văn Khám hy sinh khi làm nhiệm vụ, đồng chí Chính ủy Lê Khả Phiêu kiêm luôn nhiệm vụ của Trung đoàn trưởng để tiếp tục chỉ huy cuộc chiến đấu giữ Huế.

Còn 22 đồng chí của Đại đội 2 do đồng chí Vũ Xuân Sinh, Chính trị viên Đại đội và đồng chí Miêng làm Chính trị viên phó giữ làng Siêu Quần (Huế) bị 3 lần phản công của quân địch với 45 chiếc xe tăng. Quân ta tiếp tục bắn cháy xe tăng, quân địch sợ và lùi. Tiếp theo có sự xuất hiện của 3 Tiểu đoàn lính ngụy và 1 Tiểu đoàn lính Mỹ đều bị quân ta đánh không thể tiến được vào làng. 22 đồng chí của Đại đội 2 được công nhận là 22 Dũng sĩ diệt Mỹ.

Hai lần bị thương trong chiến đấu

Trong một lần bảo vệ đồng chí Vạn Nguyên, Bí thư Thành ủy Huế, đồng chí Nguyễn Ngọc Loan đã che chở cho đồng chí Nguyễn Văn Vạn, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên và bị thương.

Sau cuộc chiến tại Huế, đồng chí Nguyễn Ngọc Loan tiếp tục trong đoàn quân Sư đoàn 968 giúp bạn Lào. Đồng chí Nguyễn Ngọc Loan đã chiến đấu anh dũng tại các điểm đánh lớn ở Lào. Tại trận chiến trên cao nguyên Lào, khi còn 2 lớp hàng rào còn lại, đồng chí Nguyễn Ngọc Loan dũng cảm xung phong ôm bộc phá đánh lên đánh để cho quân ta tiến quân chiếm giữ cao nguyên.

Khi đang ôm bộc phá để phá hàng rào, đồng chí Nguyễn Ngọc Loan bị một mảnh pháo của địch găm vào chân, được đồng đội băng bó và chuyển ra tuyến sau để điều trị.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trung đoàn 9 - Cù Chính Lan vinh dự được 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

(Theo baoquankhu4)