Có một người cha đặc biệt của gần 300 trẻ mồ côi và hành trình 18 năm nuôi dưỡng hy vọng, hồi sinh nhiều cuộc đời của những cô bé, cậu bé không cha mẹ. Ông là cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt - Giám đốc Trung tâm Hy vọng. Hiện ông đang quản lý và chăm sóc các cháu trẻ em mồ côi ở 3 trung tâm: Tiên Cầu (Hưng Yên) và Lộc Bình, Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Ông Nguyễn Trung Chắt là bộ đội xuất ngũ. Năm 1992, ông tham gia các dự án dành cho trẻ mồ côi của UNESCO ở Việt Nam. Đây là khoảng thời gian ông được đi nhiều nơi, thăm nhiều trại trẻ mồ côi và cảm thông hơn với hoàn cảnh éo le, khổ cực của những mảnh đời bất hạnh. Năm 2002, ông về quê thành lập Trung tâm Hy Vọng đầu tiên ở Tiên Cầu (Hưng Yên) nhận trẻ em mồ côi về nuôi dạy. Năm 2007, ông tiếp tục xây dựng trung tâm nữa ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), nơi ông từng đóng quân. Đầu năm 2020, ông mở thêm trung tâm ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Đến nay, sau 18 năm hoạt động, ông đã nuôi dạy 292 trẻ bất hạnh, trong đó 177 em đã trưởng thành, nhiều em được học cao đẳng, đại học và có người trở thành thạc sĩ. Với đóng góp của mình ông Chắt đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các tỉnh Lạng Sơn và Hưng Yên. Năm 2019, ông nhận được giải thưởng Tình nguyện quốc gia do Trung ương Đoàn trao tặng.

Điều thôi thúc ông thành lập trung tâm và nuôi dưỡng những trẻ mồ côi là mong muốn các cháu mồ côi được học hành, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc như bao trẻ khác. Ông Chắt chia sẻ, lúc đầu ông không nghĩ sẽ xây đựng dược 3 trung tâm như bây giờ. Những ngày đầu ông thành lập Trung tâm Hy Vọng ở Tiên Cầu, Hưng Yên, về sau nhiều trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tới nhờ ông giúp đỡ nên ông mở thêm 2 Trung tâm nữa ở Lạng Sơn. Là người lính biên phòng từng vượt qua những gian khó trong chiến tranh, hơn ai hết ông hiểu những khó khăn của các trẻ mồ côi. Bởi với những trẻ ở vùng sâu vùng xa cuộc sống vốn đã rất khó khăn, những trẻ không còn bố mẹ thì còn vất vả hơn nhiều.

Nói về cái tên “Hy vọng”, ông Chắt chia sẻ, không muốn gọi là trung tâm hay làng trẻ mồ côi vì sẽ khiến các cháu mặc cảm. Thay vào đó ông đặt là “Hy vọng” với mong muốn các trẻ có niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp sẽ đến. Hiện ở trung tâm các cháu không chỉ được ăn no, mặc ấm, được đến trường, được phát triển toàn diện bình đẳng với các trẻ khác.

Giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi để xoá đi mặc cảm, ký ức ám ảnh tuổi thơ của các em, xây dựng một cuộc đời mới tốt đẹp hơn dường như đã trở thành sứ mệnh của ông. Những thế hệ đầu tiên được ông nuôi nấng cách đây gần 20 năm như Ngô Quốc Hưng, Nông Thị Duyên và Lý Thị Nghiêm giờ đã trưởng thành. Họ quyết định quay trở về với “Hy vọng” - để tiếp tục nuôi “Hy vọng” cho những em nhỏ cùng cảnh ngộ đang lớn lên dưới mái nhà chung đầy tình yêu thương.

Các trẻ ở trung tâm mỗi cháu một hoàn cảnh. Có những cháu ông Chắt nuôi từ khi còn sơ sinh vì mẹ các cháu còn quá trẻ, có khi là sinh viên mang thai ngoài ý muốn, không đủ điều kiện nuôi con nên gửi gắm lại cho ông Chắt và trung tâm. Thế nên với những cháu nhỏ ông Chắt càng dành nhiều thời gian yêu thương, chăm sóc. Ông đóng vai trò vừa là người cha vừa là người mẹ.

Đúng như tên gọi của Trung tâm, Dưới Mái ấm “Hy vọng”, gần 300 đứa trẻ mồ côi đã có cuộc sống tràn ngập hạnh phúc, niềm vui khiến bất cứ ai cũng cảm thấy ấm lòng. Gần 300 đứa trẻ là những mảnh đời khác nhau. Dù số phận có bất hạnh, có thiệt thòi nhưng ở đây chưa bao giờ các em bị mất đi những ước mơ. Có lẽ cũng bởi thiếu may mắn bởi khi sinh ra đã không được sống trong gia đình đủ đầy nên các em cũng dễ đồng cảm, yêu thương nhau hơn. Đến đây, không ai có cảm giác là ở trung tâm bảo trợ. Mọi người chăm sóc và yêu thương nhau như trong gia đình, không hề có sự phân biệt đối xử. Đứa trẻ nào cũng được ông Chắt thương yêu, che chở.

Nuôi một đứa trẻ không chỉ chăm lo cái ăn, cái mặc mà đó là cả một hành trình gian nan vất vả khiến ông Chắt nhiều lần phải “vắt óc” suy nghĩ. Thế nhưng với cách giáo dục riêng vừa nghiêm khắc vừa mềm dẻo đã khiến nhiều em phải “tâm phục, khẩu phục”. Để quản lý gần 300 người con ở 3 trung tâm, mỗi tháng ông Nguyễn Trung Chắt phải đi lại cả nghìn cây số. Có những hôm trời trở rét, đang đêm ông cũng từ Hà Nội về Lạng Sơn hoặc Hưng Yên, vào từng phòng kiểm tra xem các con đã mặc áo ấm chưa, quàng khăn, đi tất chưa...Mỗi lần ông xuất hiện luôn đem lại bao niềm vui, háo hức cho lũ trẻ.

Suốt gần 20 năm qua ông Nguyễn Trung Chắt đã bao bọc, chở che cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh.“Công sinh không bằng công dưỡng” - giờ đây những đứa trẻ ở Trung tâm Hy vọng lại thấy mình thật may mắn - khi có người cha luôn hết mực yêu thương giúp các em thắp lên niềm hy vọng vào 1 ngày mai tươi sáng.

Cuộc sống này có nhiều điều thật kỳ diệu. Ông Nguyễn Trung Chắt - người lính biên phòng đã mang phép màu đến để thay đổi số phận cho biết bao hoàn cảnh éo le. Nhờ ông mà các trẻ mồ côi có quyền tin và hy vọng vào những điều tươi đẹp phía trước.

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình “Mỗi tuần một nhân vật” ngay dưới đây: