Nhạc sĩ Minh Đoàn quê gốc ở vùng chiêm trũng Hà Nam nhưng sinh ra ở vùng đất Tuyên Quang. Sau khi tốt nghiệp Đại học cơ khí chế tạo máy hàn tại Ba Lan năm 1974, chàng sinh viên Đinh Văn Đoàn lên đường nhập ngũ vào đại đội 2 tiểu đoàn 8 của sư đoàn 304b huấn luyện quân tăng cường tại Thái Nguyên. Trong thời gian sinh hoạt ở đại đội trong hội diễn của đơn vị, Minh Đoàn đã sáng tác 2 bài hát: “Tổ quốc gọi lên đường” và “Hồ Chí Minh tên người sáng mãi”. Ngay lập tức, Minh Đoàn ẵm hai giải A của hội diễn nhờ năng khiếu sáng tác và tự biểu diễn.

Cũng từ mảnh đất Hà Giang địa đầu của Tổ quốc với những nét đẹp của chợ phiên, của núi rừng Tây Bắc, của tình đất, tình người ấm áp đã hút hồn và tạo cho anh lính Minh Đoàn cảm xúc để viết nên những ca khúc để lại dấu ấn cho cả quân và dân nơi đây. "Với tôi, tình yêu quê hương đất nước lúc nào cũng chứa đựng trong trái tim, luôn mong muốn cống hiến sao để quân đội hùng mạnh và xây dựng bảo vệ tổ quốc nên các sáng tác của tôi hướng về chủ đề như vậy"- Nhạc sĩ Minh Đoàn chia sẻ.

Với nhiều tác phẩm trong thời kì này, nhạc sĩ Minh Đoàn cùng lời ca tiếng đàn của các chiến sĩ Trung đoàn 122 để lại ấn tượng sâu đậm trong cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Hà Giang và Tuyên Quang. Chính vì vậy, Ty Văn hóa tỉnh Hà Tuyên (lúc đó) đã quyết định chọn Đội Tuyên văn Trung đoàn 122 làm nòng cốt, tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976. Và Đội đã vinh dự dành được 5 Huy chương vàng cho tập thể và cá nhân. Nhiều diễn viên của đội sau này đã trở thành Nghệ sĩ, Nhạc sĩ, và trưởng thành trên các lĩnh vực...

Nhạc sĩ Minh Đoàn đã từng soạn thảo một giáo trình dạy đánh đàn ghi ta và đàn sìn 4 dây để mở lớp dậy đàn và thanh nhạc, vừa dàn dựng biểu diễn cho đội Tuyên văn của Trung đoàn 122 vừa để tăng cường kiến thức âm nhạc cho đồng đội của mình. Chính vì như thế, đội Tuyên văn của Trung đoàn 122 lúc bấy giờ được coi là đoàn nghệ thuật rất hùng hậu của tỉnh Hà Tuyên cũ.

“Về với Hà Tuyên”, tác phẩm đầu tay khi anh Đoàn về nước và trở thành người lính Trung đoàn 122 được ví như khúc quân hành lên Tây Bắc. “Ta về Hà Tuyên hôm nay/ Nghe rầm rập những bước quân đi/ Đẹp sao Hà Tuyên đang đổi mới từng ngày / Đẹp sao Hà Tuyên ơi! Chúng tôi về đây chung lòng xây dựng vùng kinh tế mới… ” -CCB Ngô Văn Học đồng đội của nhạc sĩ Minh Đoàn bày tỏ.

Dọc dài những năm tháng kháng chiến, nhạc sĩ Minh Đoàn đặt chân tới nhiều vùng đất của Tổ quốc. Không chỉ đem lời ca, tiếng hát để động viên tinh thần anh em chiến sĩ sau những trận đánh gian khổ mà nhạc sĩ Minh Đoàn còn phải chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Đó cũng là những cảm xúc không bao giờ quên trong đời cầm súng của mình. Ca khúc "Những chiến sĩ vô danh" đã ra đời khi nhạc sỹ chứng kiến sự hy sinh của đồng đội tại mặt trận phía bắc của Hà Giang. "Những lần ôm đàn đệm hát cho các chiến sĩ nghe, động viên tinh thần đồng đội trước khi ra trận. Nhiều lúc chiều vừa hát tặng các chiến sĩ xong thì buổi tối lại phải mai táng các anh, cho nên xúc động, thương cảm và khâm phục tinh thần chiến sĩ của chúng ta. Những cảm xúc lúc đó thật không gì diễn tả được"- Nhạc sĩ Minh Đoàn rưng rưng kể về kỉ niệm thời chiến đấu gian khổ.

Năm 1991, Đoàn nghệ thuật Quân khu 2 cử 10 diễn viên và nhạc công Tổng cục chính trị ra thăm cán bộ và chiến sĩ ở đảo Trường Sa trong vòng 1 tháng. Trước khi ra đảo, năm 1988, nhạc sĩ Minh Đoàn đã viết ca khúc "Tình yêu của đảo”. Còn trong những ngày lênh đênh trên biển và cuộc trò chuyện với người thuyền trưởng đã giúp ông có cảm xúc để sáng tác bài hát "Tình ca con tàu".

Nhạc sĩ Minh Đoàn hoạt động sáng tác ở nhiều đơn vị: từ Đội Tuyên văn Sư đoàn 304B, đến Trung đoàn 122, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, Sư đoàn 313. Sau khi chính thức về nhận nhiệm vụ công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 2, nhạc sĩ Minh Đoàn tốt nghiệp Đại học chính quy ngành sáng tác tại Nhạc viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thời kì này, Minh Đoàn đã cho ra đời một loạt ca khúc về biên giới hải đảo như: “Nơi điểm cao”; “Hành khúc Tân Trào”; “Bến đợi”; “Tình yêu của đảo”; “Tình ca con tàu”; “Đừng nói dối em”… Ngoài ra Minh Đoàn còn sáng tác những tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc dân tộc như: "Ký họa đồng chiêm" và tổ khúc giao hưởng "Ánh trăng và Mặt trời" do dàn nhạc dân tộc và dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội thể hiện.

Sau những năm tháng cống hiến trong quân đội, nhạc sĩ Minh Đoàn về nghỉ chế độ. Vốn là người đam mê nghệ thuật, ông tiếp tục tham gia Hội Cựu chiến binh ở địa phương và trở thành một trong những nòng cốt trong các hoạt động của những người lính cựu ở đây. Ông tham gia các hội diễn văn nghệ với vai trò dàn dựng chỉ đạo nghệ thuật trong các kì cuộc của phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Các tiết mục của nhạc sĩ Minh Đoàn đều đoạt giải cao tại các liên hoan hội diễn.

Hơn 40 năm vinh dự được mang màu áo lính, nhạc sĩ Minh Đoàn đã có những đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc quân đội nói riêng và nước nhà nói chung. Các tác phẩm âm nhạc của ông thấm đẫm chất trữ tình, luôn có bước sáng tạo và phát triển theo nét riêng mang phong cách bộ đội cụ Hồ được bạn bè và đông đảo công chúng yêu thích./.

Mời quý vị nghe nhạc sĩ Minh Đoàn thể hiện ca khúc "Vinh quang cựu chiến binh Việt Nam" tại đây: