Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản hết sức quý báu. Đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho biết, ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở làng khoa bảng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 8 tuổi, ông theo cha lên Chiến khu Việt Bắc. Tại đây, ông có may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Cha tôi là Ủy viên TƯ Đảng khóa II (1951-1956). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cha đưa toi lên chiến khu Việt Bắc, tôi ở trong khu vực Văn phòng Trung ương Đảng, nhờ vậy tôi có cơ hội được gặp cụ. Chúng tôi ở trại trẻ, mỗi khi đi qua cụ hay tạt vào thăm bọn trẻ chúng tôi hoặc ngày lễ cụ cũng hay gọi chúng tôi nên để chơi với cụ”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nhớ lại.

Đã gần 70 năm trôi qua nhưng thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn nhớ như in những lần được ở bên cạnh Bác tại Chiến khu Việt Bắc. Trong đó, có một kỷ niệm ông không bao giờ quên khi được chứng kiến Bác “giải cứu” một bạn bị cô giáo phạt. Ông nhớ lại, hôm đó, người bạn cùng lớp tên là Tộ đánh nhau với một bạn khác. Cô giáo phạt Tộ bằng hình thức úp mặt vào liếp. Khi thấy Bác đi qua, Tộ tỏ ra rất khắc khổ với mục đích để được Bác thương và "giải cứu". “Khi đi qua, Bác nhìn thấy và hỏi cô bảo mẫu. Cô tên là Bắc: “Cô Bắc ơi sao Tộ khổ sở thế kia?”. Cô đáp “Thưa Bác, cháu đánh bạn nên bị phạt”. Bác bảo “Thế bây giờ Bác xin cô thì cô có tha cho cháu không?” Cô trả lời: “Nếu bác xin và bạn ý xin lỗi bạn thì cháu sẽ tha thứ”. Bác gọi Tộ đến, gọi bạn kia đến, Bác nói hai cháu đánh nhau là sai, bây giờ hai cháu xin lỗi đi, Bác xin cô Bắc rồi. Các cháu xin lỗi, cô Bắc sẽ tha thứ. Hai bạn xin lỗi và lần đấy 2 bạn được tha thứ”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể.

Khi đó, với nhận thức của một đứa trẻ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu không nghĩ nhiều về việc Bác xin cô giáo tha cho người bạn của mình. Tuy nhiên, khi lớn lên và biết về Bác - một vị lãnh tụ của dân tộc, ông càng chiêm nghiệm được nhiều điều từ cách xử trí ấy. “Thực ra câu chuyện đó lúc đấy với tôi không có ấn tượng gì nhiều nhưng càng về sau tôi càng thấm và thấy tầm vĩ đại của Bác. Môt vị lãnh tụ nhưng đối với một cô bảo mẫu rất bình thường, với chức trách của một cô giáo, Bác đã rất tôn trọng. Việc ấy cho tôi ấn tượng về sự tôn trọng con người của Bác”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu chia sẻ.

Đại tá - phi công lái máy trực thăng Trần Ngọc Bích, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh cũng thấy may mắn khi có nhiều thời gian được ở bên Bác. “Vào tháng 3/1960 tôi có chuyến bay đầu tiên phục vụ Bác. Chuyến chuyến bay cuối cùng phục vụ Bác cũng vào tháng 3/1969, bay từ sân bay Nội Bài về sân bay Bạch Mai. Tôi nhớ mãi tâm trạng khi lần đầu được nhận nhiệm vụ phục vụ Bác, người mình cứ lâng lâng, khó tả. Mình tự hào lắm, khi đó chỉ là một người lính mà được quân đội tín nhiệm phân công phục vụ Bác”, Đại tá Trần Ngọc Bích kể.

Ông Bích cho biết, từ khi lấy bằng tốt nghiệp phi công loại suất sắc ở nước ngoài về nước phục vụ trong quân đội đến lúc về hưu, ông có tới 32 năm “đi mây về gió” với hơn 8 nghìn giờ bay. Với thành tích đó, ông được đồng đội mệnh danh là “Anh cả của làng trực thăng Việt Nam”. Ông rất vui về điều đó. Tuy nhiên hạnh phúc hơn cả với ông là quãng thời gian 9 năm được đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ lái chiếc trực thăng phục vụ Bác. Trong thời gian ấy, ông học được rất nhiều điều từ lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có một bài học ông không bao giờ quên. “Có đợt tôi bay lên K9, Đá Chông. Sau khi nhận lệnh thì tôi đi K9 luôn. Đồng chí Chính ủy Trung đoàn tên Đào nói: “Bích! Hạ cánh ở sân bê tông!”, Tôi lên đến nơi tôi hạ cánh đúng ở sân bê tông. Lúc đó anh Kỳ nói: “Bích! Tại sao lại hạ cánh ở đây! Đi K9 sao lại hạ cánh đây?” Tôi giải thích “K9 thì biết rồi nhưng Sở Chỉ huy nói hạ cánh ở sân bê tông. Anh Kỳ thừa nhận “công nhận đây là sân bê tông rồi nhưng không phải. Đi!”. Địa điểm Sở chỉ huy nói là sai, mình hạ đúng nhưng nói sai thì mình phải chấp hành. Tôi khởi động máy rồi lên sân vận động trên K9. Sân đó bay giờ làm sân bóng đá”, ông Bích nhớ lại.

Ông Bích cho biết, trong công tác an ninh, bảo vệ người đứng đầu Nhà nước, đó là sai sót rất nghiêm trọng. Sau đó, trong một bữa cơm, những đồng chí liên quan đến sai sót trao đổi rất gay gắt về nguyên nhân dẫn đến việc hạ cánh sai địa điểm. Thái độ của Bác khiến mọi người đều bất ngờ. “Bảo vệ lãnh tụ như vậy là rất nguy hiểm mà Bác không nói gì, không trách móc gì. Anh Kỳ và anh Ninh nói, hôm đó mà có chuyện gì thì rồi vào “nhà đá”, không lôi thôi gì cả”. Qua đó thấy rõ lòng vị tha ở Bác, ông Bích nhớ lại.

Đã hàng chục năm trôi qua nhưng những cựu chiến binh này vẫn nhớ như in về cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là những bài học sống động mà đến giờ Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu và Đại tá Trần Ngọc Bích vẫn thấy còn nguyên giá trị.

Nghe bài viết dưới đây: