Góp mặt vào chiến thắng vĩ đại trên đường Trường Sơn, cách đây gần 50 năm, hơn 500 nữ thanh niên của tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) đã xung phong lên đường đánh Mỹ, lấy tên là Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc. Họ là những nữ thanh niên đầu tiên của miền Bắc được chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Bà Ngô Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn, Nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc nhớ lại “Năm 1971, tôi cùng các bạn nhận lệnh vào chiến trường. Chúng tôi, những nữ thanh niên còn rất trẻ lần đầu xa nhà lúc ấy nhớ thương gia đình lắm, dù có tiếng khóc nhưng cả toa tàu vẫn rộn lên những lời ca tiếng hát động viên nhau lên đường hành quân ra trận”.

“Có lệnh là đi tư thế sẵn sàng

Gương mặt sáng nụ cười bình thản

Vì tiền tuyến gọi chúng ta lên đường”

Những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã đi qua bom đạn và lằn ranh sống chết với niềm tin một ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

“ Khi chúng tôi lên tàu có những người chỉ kịp viết vài dòng chữ đưa về, viết nhanh trên tàu. Suốt dọc đường người dân hai bên cấy lúa, đi xe đạp...đều dừng lại và ngả mũ chào. Những cánh thư được chúng tôi thả xuống nhiều như bươm bướm, mọi người trân trọng cầm lá thư đó chuyển cho người thân ở nhà” - Bà Ngô Thị Tuyết xúc động chia sẻ.

Khi cuộc chiến tranh đang trong giai đoạn ác liệt, nữ chiến sỹ Nguyễn Thị Lượng làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Chị Lượng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc. Sau thời gian huấn luyện 3 tháng, tháng 9/1971, chị Lượng cùng đồng đội nhận lệnh hành quân vào chiến trường và bổ sung cho Mặt trận Trường Sơn thuộc Đoàn 559. Sau khi đi bộ từ Ứng Hòa về Ga Núi Âu, chị Lượng nhớ mãi chuyến tàu đưa các chị vào Nam chiến đấu: “Đoàn tàu chở chúng tôi tới Vinh, rồi đi xe vào Quảng Bình. Rồi chúng tôi đi bộ dưới trời mưa, bên trên thì giặc Mỹ thả bom dồn dập, nhưng chị em rất kiên cường, vượt qua từng chặng đường gian khổ”.

Các nữ chiến sỹ được phát quân trang và những nhu yếu phẩm, được biên chế thành một tiểu đoàn, gồm 4 đại đội. Sau 6 ngày hành quân vượt qua sông Gianh rồi về Cự Nẫm, dọc theo đường 20 Quyết Thắng, tiểu đoàn mới đặt chân đến Trạm 5. Tại đây, các chị được phân công những nhiệm vụ mới trên con đường huyết mạch vận tải chiến lược Bắc – Nam.

Mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau như y tá, hậu cần, văn thư, bảo mật thông tin, tổng đài, quân bưu, tăng gia giữ kho cho đến đào đất lấp hố bom, phá đá nổ mìn đảm bảo giao thông chi viện cho tiền tuyến. Chị Lượng được phân công vào đơn vị giao liên cơ giới, làm nhiệm vụ giao liên, hậu cần, phục vụ nấu ăn và đón các thương, bệnh binh từ trạm 37 tới trạm 36.

Trong 5 năm (từ 1971 đến 1975), Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường Ðông và Tây Trường Sơn. “Tôi nhớ mãi cái đêm hành quân lên đỉnh núi, một giờ sáng tôi lên cơn sốt rét, các bạn Tuyết, Thanh, Hợi, Lượng khiêng tôi lên Trạm 5 rồi gửi tôi ở đó. Sau tôi được bổ sung luôn vào đơn vị này” - Bà Nguyễn Thị Gái, Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc nhớ lại.

Dù phải dầm mưa, dãi nắng, phải chịu những trận sốt rét kéo dài, cuộc sống thiếu thốn và bom đạn luôn đe dọa tính mạng, nhưng các nữ chiến sỹ luôn giữ vững ý chí kiên cường, bất khuất. Nhiều chị được trở thành đảng viên, được tặng huân huy chương và nhiều bằng khen, giấy khen chiến sĩ Thi đua, chiến sĩ Quyết thắng...

Dù chiến tranh ác liệt, song các chị luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những nữ chiến sỹ Tiểu đoàn Trưng Trắc - Tiểu đoàn đầu tiên ở miền Bắc và duy nhất được mang tên người nữ anh hùng dân tộc./.