Bà Bùi Thị Duyên sinh năm 1955, tại xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong khí thế chống giặc ngoại xâm “Cả nước lên đường đi đánh Mỹ”, sớm ý thức được trách nhiệm của mình, ngay từ khi 16 tuổi Bùi Thị Duyên xung phong vào đội Thanh niên cứu thương tỉnh Phú Yên, rồi trở thành nữ chiến sĩ Y tá Giải phóng quân vào năm 1972.

Tuổi xuân của Bùi Thị Duyên gửi lại chiến trường nơi có dấu chân của bộ đội đi qua. Là nữ Y tá Bùi Thị Duyên luôn dành trọn tình cảm của mình để cứu chữa cho đồng đội, vượt muôn ngàn gian khó qua mưa bom, bão đạn và khí hậu khắc nghiệt của nắng mưa đại ngàn. Cùng “nếm mật, nằm gai” trên chiến trường, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nữ chiến sỹ Y tá, chăm sóc chữa trị cho hàng ngàn lượt thương, bệnh binh cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tiếp tục phục vụ quân đội đến năm 1979 thì phục viên. Bà đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước và Quân đội.

Phát huy truyền thống anh hùng “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt khó

Phục viên về quê, với thương tật trên mình và nhiễm chất độc da cam, bà Duyên xây dựng gia đình với ông Định Văn Huê, cũng là bộ đội xuất ngũ, sinh sống ở phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa. Hai vợ chồng sinh được 6 người con, thật may mắn 6 người con của họ đều phát triển bình thường; tuy nhiên, điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn, đông con lại càng khó khăn hơn. Bản thân bà bệnh đau do vết thương tái phát, bà kể: “Ngày đó, bà đã phải cố gắng đến 200 phần trăm sức mình để vừa lo công việc hộ sinh ở Trạm xá xã, vừa chăm lo cho 6 đứa con nhỏ ăn học ; thực sự, nếu không có tinh thần của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, sự giúp đỡ của xóm làng thì vợ chồng bà khó có thể vượt qua”.

Dù đã hết lòng cố gắng nhưng gia đình bà vẫn phải ở trong một ngôi nhà dột nát, tuyềnh toàng ; năm 2011, được sự giới thiệu của đồng đội cũ, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Đông Hòa tặng cho bà ngôi nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng. Có được nhà rồi, các con dần dần lớn khôn đỡ đần phần nào công việc giúp cha mẹ. Vợ chồng bà càng hăng hái lao động để kiếm thêm thu nhập, lao tâm, khổ tứ với đủ các nghề: trồng rau, nấu rượu, nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi gà vịt thương phẩm, buôn bán ve chai (nhôm, nhựa), tư vấn tài chính bảo hiểm nhân thọ... Thường ngày, bà lao động từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới kết thúc một ngày làm việc, lao động quên cả bệnh tật. Thu nhập của gia đình từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc đến có dư để tích lũy, mỗi năm hơn một trăm triệu đồng. Nhờ nỗ lực lao động, tìm nguồn thu nhập chính đáng, cùng với cách chi tiêu hợp lý nên kinh tế gia đình bà không ngừng được nâng lên. Từ hộ gia đình nghèo khó, thường xuyên nhận hỗ trợ từ nguồn chính sách của xã, dần dần trở thành gia đình khá giả, có cơ ngơi đàng hoàng và có thể giúp đỡ những người khác. Khi khá lên bà Duyên đã tích cực làm từ thiện giúp những hoàn cảnh neo đơn, gặp rủi ro và đồng đội cũ, với quan niệm “cho đi là còn mãi”. Bà trở thành tấm gương vượt khó, giàu lòng từ thiện không chỉ trong làng xã mà còn là điển hình của cấp huyện.

Hăng hái làm tốt công tác xã hội

Bà Duyên được biết đến không chỉ là thương binh nghèo vượt khó, bà còn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng, tín nhiệm vì sự hăng hái, vô tư trong sáng khi tham gia công tác xã hội. Trước đây bà tham gia hai khóa làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã ; làm Y tá hộ sinh không trợ cấp, bà đã đỡ đẻ cho rất nhiều thai phụ “mẹ tròn con vuông”. Bà là Chi hội trưởng Hội Truyền thống Bộ đội Trường Sơn phường Hòa Hiệp Bắc. Từ một Chi hội chỉ có 5 hội viên nay đã phát triển được 25 hội viên, Chi hội luôn hoạt động sôi nổi và hiệu quả, là lá cờ đầu tiêu biểu của Bộ đội Trường Sơn tỉnh Phú Yên. Dưới sự lãnh đạo của bà, Chi hội tổ chức được nhiều hoạt động hết sức ý nghĩa như: lập quỹ cho hội viên vay vốn, thăm nhau khi ốm đau, ngày lễ, tết, tổ chức cho hội viên tham quan du lịch, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ dưỡng sinh… Bà cùng Ban Liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn của tỉnh còn vận động xây dựng được 7 ngôi nhà và nhiều sổ tiết kiệm khác để tặng hội viên nữ Trường Sơn trên địa bàn của tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Phú Yên cho biết: “Bà Duyên là một mẫu người tốt, là thương binh bị nhiễm chất độc da cam, tuy tuổi đã cao nhưng rất giỏi chăm lo gia đình, tham gia công tác xã hội tích cực, quan tâm sâu sắc đến hoàn cảnh khó khăn nhất là đồng đội cũ, được mọi người tin yêu, mến mộ”.

Từ sự tín nhiệm cao của mình nên bà Duyên còn được bầu tham gia làm Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu TNXP của thị xã Đông Hòa ; là Tổ trưởng tổ vay vốn của phụ nữ thôn… Mọi chức trách bà đảm nhiệm đều được thực hiện hoàn thành xuất sắc, năm nào cũng được tặng giấy khen, được chọn báo cáo điển hình cấp huyện, cấp tỉnh.

Ngoài công việc các tổ chức giao bà còn hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện ; vận động gia đình, bà con lối xóm đóng góp đầy đủ trong các cuộc vận động quên góp do địa phương phát động. Năm 2020 bà đã đứng ra kêu gọi đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt được hơn 20 triệu đồng, được Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Yên tặng giấy khen. Gần đây dịch Covid lan tràn đến địa phương, bà Duyên vận động con cháu chấp hành nghiêm mọi quy định của địa phương, tham gia cùng Hội Phụ nữ trên địa bàn hỗ trợ rau, củ quả cho các bếp phục vụ cán bộ, chiến sỹ ở các chốt phòng dịch, khu cách ly, phong tỏa.

Theo ông Trần Minh Tiền - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc: Bà Bùi Thị Duyên là một đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, nhưng bà luôn hòa đồng, có tinh thần tham gia công tác địa phương rất tích cực, đóng góp về vật chất, tinh thần hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp địa phương trong việc giải quyết chính sách cho những người có công. Nhiều năm qua, gia đình bà Duyên là gia đình văn hóa kiểu mẫu luôn chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và thực hiện tốt các phong trào cách mạng ở địa phương, được bà con lối xóm thương yêu, quý trọng. Bà Duyên xứng đáng là tấm gương sáng về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” để lớp trẻ, con cháu noi gương học tập./.

(Theo dientudacam.vn)