Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một bản chỉ thị mang tính lịch sử, đó chính là chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt dưới tán rừng chân núi Slam cao thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ngay từ những ngày đầu Quân đội nhân nhân VN mà tiền thân là đội VN tuyên truyền giải phóng quân đã là điều đặc biệt. Bản chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng được đánh giá là một quyết định mang tính lịch sử. Chỉ với hơn 300 từ nhưng bản chỉ thị là một áng văn chính luận tuyệt tác, thể hiện một cách khái quát nhất những nội dung chủ yếu về vai trò, chức năng nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và đường lối quân sự của Đảng ta lúc đó.

Từ 34 chiến sĩ ban đầu của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đến nay quân đội ta đã lớn mạnh với quân số khoảng gần 500.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người cùng hàng chục binh đoàn chủ lực. Những chiến công mà Quân đội nhân dân Việt Nam đạt được được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Theo PGSTS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam là một tổ chức độc đáo, vừa chính quy, tinh nhuệ, vừa hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Quân đội “từ nhân dân mà ra”, được xây dựng trên cơ sở những quan điểm nhất quán của Đảng: “Xây dựng quân đội của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân. Trong việc tổ chức xây dựng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng. Phương châm hoạt động của Đội là “Chính trị trọng hơn quân sự”. Quan điểm là “ người trước, súng sau” nghĩa là coi trọng yếu tố con người".

Từ quan điểm nhất quán đến thực tiễn hoạt động cùng những thành tựu đạt được, chiến thắng 5 quân đội nước ngoài trong các cuộc kháng chiến cứu nước và đánh bại 14 tổ chức quân đội khi làm nhiệm vụ quốc tế hữu nghị, Quân đội nhân dân Việt Nam tạo nên những nét đặc sắc riêng có. GS TS Đinh Xuân Dũng, uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân trao tặng cho các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là một giá trị độc đáo của văn hoá quân sự Việt Nam : “Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. “Bộ đội Cụ Hồ” có nguồn gốc sâu xa của kiểu mẫu nhân cách từ các nhân tố mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Trước hết, mang ý nghĩa nhân dân, được nhân dân truyền tụng. Nếu xét ở góc độ truyền thống văn hóa quân sự dân tộc, “Bộ đội Cụ Hồ” còn có nguồn gốc sâu xa hơn, bởi nó còn bắt nguồn, nối tiếp và phát triển của kiểu mẫu những nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. “Bộ đội Cụ Hồ” là đỉnh cao về hình tượng của người chiến sĩ QĐND Việt Nam. Đó là những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.

Nét độc đáo nữa mang dấu ấn Quân đội nhân dân Việt Nam, đó còn là sự kế thừa và phát triển nghệ thuật quân sự lên những tầm cao mới, phát triển nghệ thuật tổ chức lực lượng vũ trang độc đáo, sáng tạo của dân tộc. Cùng với nghệ thuật tổ chức lực lượng ba thứ quân, để thực hiện thành công các cuộc kháng chiến cứu nước, quân đội nhân dân Việt Nam còn xây dựng chiến lược quân sự, trong đó tổ chức thành các binh đoàn chủ lực và tổ chức các chiến dịch. Phó giáo sư Tiến sĩ, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên giám đốc Học viện Quốc phòng nhấn mạnh: "nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là đỉnh cao của tinh thần lấy trí thông minh, tinh thần anh dũng để chiến thắng vũ khí hiện đại của địch, quyết chiến quyết thắng, biết đánh và biết thắng. Nghệ thuật quân sự đó thể hiện ở sự kết hợp chặt chẽ giữa thế trận chiến tranh nhân dân, giữa tác chiến của bộ đội chủ lực với tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương. Và cốt lõi của nghệ thuật quaann sự Việt nam là nghệ thuật chiến dịch”.

Một điều đặc biệt nữa của Quân đội nhân dân Việt Nam đó là truyền thống “chiến thắng trận đầu”. Chỉ sau khi chính thức thành lập được 3 ngày, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã dành chiến thắng ở trận đầu tiên Phay Khắt – Nà Ngần, tạo nên truyền thống “đánh thắng trận đầu”. Và chỉ chưa đầy 1 năm sau khi thành lập, quân đội ta đã cùng toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng tháng 8 thần kỳ, góp phần quan trọng thành lập nhà nước độc lập dân chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, tạo nên những kỳ tích và những nét đặc biệt riêng có.

“ Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, kế thừa và phát huy những nét tinh hoa của nghệ thuật quân sự, quan đội nhân dân Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó “ khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.