Trong cuộc đời quân ngũ của mình, có lẽ bà Nguyễn Thị Kim Thoa sẽ nhớ mãi những năm tháng ở đơn vị Trung đoàn 99, Sư đoàn 472, Binh đoàn Trường Sơn. Ở đó bà không chỉ được sống đúng với khát vọng tuổi trẻ, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nơi đó còn có những đồng đội yêu quý. Cái tên bà nhớ nhất là liệt sĩ Nguyễn Thị Huyền, quê ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Nhiều năm qua, bà Thoa vẫn nhớ mãi cô gái Nguyễn Thị Huyền bé nhỏ thông minh, hát hay trong Đoàn văn công năm nào. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn đủ bề nhưng người lính vẫn cứ vui, cứ ca hát lạc quan như thế. Nhờ những lời ca tiếng hát của những nữ văn công Nguyễn Thị Huyền mà cũng vơi đi những khó khăn, gian khổ trong hành trình xây dựng con đường Trường Sơn huyền thoại.

Bà Thoa nhớ từng kỷ niệm vui buồn khi sinh hoạt cùng Trung đoàn với nữ văn công Nguyễn Thị Huyền. Điều bà Thoa cũng như các đồng đội của Sư đoàn 472 tiếc nuối nhất là trước khi Huyền mất một tháng mẹ cô có lên thăm con một lần, được lắng nghe những lời ca tiếng hát cô cùng đồng đội biểu diễn trên sân khấu. Đó cũng chính là lần cuối Huyền được gặp người thân trước khi ra đi. Sự hy sinh của chiến sĩ Nguyễn Thị Huyền để lại tiếc thương vô vàn cho những đồng đội còn sống như bà Thoa.

Thời gian trôi qua đã lâu cũng chẳng thể xóa nhòa những nỗi đau. Rất nhiều người lính đã hy sinh khi xây dựng con đường Trường Sơn huyền thoại, khiến những đồng đội còn sống như bà Nguyễn Thị Kim Thoa thổn thức khôn nguôi mỗi khi nhắc lại.

Hơn 70 năm qua những chiến sĩ Trường Sơn vẫn mang trong mình phẩm chất người lính cụ Hồ, tiếp tục xây dựng phong trào Hội truyền thống Trường Sơn ngày càng vững mạnh. Hội có nhiều hoạt động tri ân, động viên thân nhân gia đình liệt sỹ và các hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống. Đại tá Thái Khắc Thế, Trưởng ban chính sách xã hội, Hội Truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh Việt Nam chia sẻ, hằng năm Hội tổ chức các chuyến viếng thăm, thắp hương cho đồng đội ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ. Các buổi lễ dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ sau với các thương, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Huyền là một trong số những liệt sĩ may mắn được gia đình đưa về yên nghỉ tại quê nhà. Bởi giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn còn hàng vạn liệt sĩ đang nằm lại như lời thơ trong bài “Khát vọng Trường Sơn” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa… Bài thơ như một lời tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Mời các bạn nghe chương trình ngay dưới đây: