Trong khu vườn rộng gần 1.000 m2 ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, ông Trần Văn Quận trưng bày nhiều vỏ bom đạn, kỷ vật chiến tranh. Không phải là người đầu tiên sưu tầm kỷ vật chiến tranh ở miền Trung, nhưng ông Quận tiên phong mở "bảo tàng" tư nhân, mở cửa tự do cho cựu chiến binh, học sinh, du khách tham quan từ tháng 4.

Dưới cái nắng gay gắt cuối hè, ông Quận tỉ mỉ nghiên cứu bộ phận cắt bom trên máy bay vừa sưu tầm được ở vùng biển Quảng Bình. Một ngư dân kéo lên được chi tiết này và bán cho vựa phế liệu. Nghe thông tin, ông Quận đánh xe tìm mua, nhưng nó đã nhanh chóng qua tay nhiều người trước khi được ông chở về vườn. Ông giải thích bộ phận này nằm dưới cánh máy bay để treo hai quả bom. Khi đến vùng chiến sự, phi công ấn nút và bom rơi. Nếu cắt bom không thành công, phi công sẽ cắt luôn bộ phận này để bom rơi trước khi máy bay trở về căn cứ.

Mất 2 tháng liền ông Quận tháo rời từng chi tiết, làm sạch hàu, bùn đất khiến bộ phận như mới, hoạt động trơn tru rồi lắp ráp lại. Sau đó, ông gắn nó vào một quả bom, để du khách hiểu được cơ chế hoạt động.

Đang dở tay thì đoàn học sinh, giáo viên ở địa phương vào thăm, ông Quận lại dẫn đi hết khu vườn, giới thiệu từng quả bom. Điều đặc biệt là các vỏ bom được dựng đứng hoặc nghiêng như thể đang rơi từ trên máy bay xuống. Phía dưới mỗi quả bom có gắn thiết bị cơ khí để người xem có thể xoay tròn.

Khu vườn có khoảng 300 hiện vật của 70 chủng loại bom, trong đó có nhiều vỏ bom to, nặng hàng tạ như bom Mk82, Mk84... Các vỏ bom to được ông Quận trưng bày ngoài trời, phía dưới trồng hoa, rau màu, cây xanh... nhằm tái hiện cảnh người dân sản xuất, sinh sống thời chiến tranh.

Ông Quận từng phục vụ trong hải quân những năm 1995-2001, là thợ máy trên tàu, đóng quân từ Đà Nẵng đến TP HCM. Sau đó, ông ra quân, vào TP.HCM lập nghiệp cho đến năm 2018 trở về quê nhà Hàm Ninh. Trăn trở muốn đóng góp cho quê hương, ông nảy ý tưởng làm vườn ký ức trưng bày kỷ vật chiến tranh.

Giai đoạn 1968-1972, quê hương Hàm Ninh của ông bị bắn phá, ném bom do là vùng hậu phương quan trọng, nằm giữa các trọng điểm đánh phá gồm phà Quán Hàu, cầu Long Đại. 2 nơi này là điểm tập kết của bộ đội, chuẩn bị vượt sông Long Đại và Nhật Lệ để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1972, ông nội của ông Quận mất trên mảnh đất Hàm Ninh do bom rơi trúng nhà. Khi xây dựng khu vườn bom, nhiều người thân phản đối vì gợi lại ký ức đau thương của gia đình. Ông giải thích làm vườn để lưu giữ ký ức, cho thế hệ hôm nay và mai sau biết được cuộc sống dưới bom đạn của cha ông.

"Tôi muốn chuyển tải thông điệp tri ân anh hùng liệt sĩ, cựu chiến binh tham gia cuộc chiến khốc liệt giành độc lập tự do của dân tộc, cho thế hệ học sinh được kết nối với lịch sử, biết được quá khứ đau thương, từ đó gìn giữ hòa bình, đừng để chiến tranh xảy ra", ông Quận nói.

Từ năm 2018 đến nay, ông Quận lái xe rong ruổi từ Phú Yên ra đến Nghệ An tìm mua kỷ vật chiến tranh. Ở mỗi vùng đất đi qua, ông để lại số điện thoại, nhờ các vựa phế liệu khi có vật gì giá trị thì gọi điện. Ông cũng đi nhiều vùng rừng núi ở Quảng Trị, Quảng Bình nhờ người địa phương dẫn vào rừng sưu tầm vỏ bom.

2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, ông sưu tầm được nhiều kỷ vật nhất, vì có thời gian gọi điện, tìm mua. Tất cả kỷ vật đều được xử lý an toàn trước khi trưng bày. Đến nay, ông Quận đã chi hơn 500 triệu đồng mua kỷ vật chiến tranh.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, đánh giá khu vườn bày trí sinh động, giúp người xem hình dung được không gian của những năm tháng bom rơi, đạn nổ, là địa chỉ bồi dưỡng lòng yêu nước.

Thời gian tới, ông Quận sẽ tiếp tục bổ sung nhiều kỷ vật cho khu vườn, nâng cao hơn chất lượng để đón mọi người đến tham quan./.

(Theo Vnexpress)