Nhiều năm nay, các kỳ thi vào lớp 10 THPT luôn là áp lực vô cùng lớn đối với thí sinh và phụ huynh. Ở các thành phố lớn, số lượng trường công có hạn, thí sinh lại đông, việc cạnh tranh một suất vào trường công, nhất là những trường tốt thật vô cùng gian nan. Không chỉ phân theo khu vực địa bàn, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 cũng đã đưa thí sinh vào ma trận không khác gì chơi xổ số. Chính vì vậy mới xảy ra trường hợp thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt và trong cùng một địa bàn điểm trúng tuyển giữa trường này so với trường kia có sự chênh lệch ở mức khó chấp nhận.

Năm nào cũng vậy, áp lực từ lúc ôn thi kéo dài tới khi chọn nguyện vọng, rồi áp lực lúc thi và cao điểm nhất là lúc có điểm trúng tuyển. Kẻ cười, người khóc và những sự việc đau xót cũng đã xảy ra, khi những đứa trẻ chỉ vì kết quả thi vào lớp 10 không được như mong muốn mà tìm đến cái chết, kết liễu cuộc đời để lại nỗi đau đớn khôn nguôi cho người thân và sự ám ảnh bởi kỳ thi “vượt vũ môn” khốc liệt.

Đành rằng kỳ thi nào cũng có kẻ thắng người thua, kẻ đỗ người trượt nhưng nếu nó công khai, minh bạch, khách quan công bằng thì thí sinh, phụ huynh và xã hội cũng có thể chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng ấy. Nhưng trên thực tế, ở một số nơi, sự thiếu minh bạch của kỳ thi đã khiến những thí sinh nhẽ ra đỗ hóa thành trượt và ngược lại có những thí sinh năng lực học tập có giới hạn lại được “hóa phép" điểm số từ trượt lại đỗ, thậm chí còn đỗ điểm cao, gây bức xúc trong phụ huynh, thí sinh và dư luận xã hội.

Vụ điểm số thi vào lớp 10 bất thường ở Thái Bình dẫn đến Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phải tạm đình chỉ Giám đốc Sở GD-ĐT để thanh tra, làm rõ chưa nguôi thì lại phát hiện dấu hiệu bất thường ở một số bài thi vào lớp 10 tại Hải Phòng. Sự việc đã “cháy” lên nỗi ngờ vực về tính nghiêm túc trong thi cử và làm mất đi niềm tin của thí sinh, phụ huynh và xã hội đối với một kỳ thi càng khó khăn, nhiều áp lực lại càng dễ lộ ra những khe hở thiếu minh bạch.

Việc gian lận thi cử có thể đến từ bất cứ “mắt xích” nào trong kỳ thi, từ thí sinh, từ giám thị coi thi, chấm thi và cả hội đồng thi…. Tuy nhiên, nếu chỉ có thí sinh gian lận còn cả hội đồng thi nghiêm túc thì sự gian lận ấy dễ dàng bị ngăn chặn. Ngược lại cả hội đồng thi, giám thị, người chấm thi… mà thiếu minh bạch thì đây thật sự là căn bệnh cần được “điều trị” ở mức cao nhất, phải dùng pháp luật để trừng phạt mới mong trị được cái “ung nhọt” khiến dư luận bức xúc.

Điểm thi cơ bản là phản ánh năng lực học tập của thí sinh. Việc thí sinh học kém mà có điểm thi cao đương nhiên là sự bất thường. Sự bất thường ấy bạn bè, thầy cô, phụ huynh của các em dễ dàng nhận ra. Ngược lại, những thí sinh có năng lực học tập tốt mà điểm thi lại thấp quá mức cũng là hiện tượng không bình thường làm cho chính thí sinh, phụ huynh và thầy cô dạy các em đặt dấu hỏi.

Không phải vụ việc gian lận đổi trắng thay đen nào cũng có thể “chìm xuồng”, bởi một hội đồng thi không thể “một tay che cả bầu trời”. Trước sức ép từ thí sinh, phụ huynh và từ dư luận xã hội rồi các cơ quan chức năng vào cuộc sớm hay muộn sự việc sẽ được đưa ra ánh sáng. Chúng ta đã có bài học đắt giá từ vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2018 ở một số hội đồng thi như Hà Giang, Sơn La hay Hòa Bình đã làm hàng chục cán bộ, lãnh đạo ngành giáo dục hiện đang trong vòng lao lý vẫn còn nguyên giá trị.

Có rất nhiều giải pháp để tạo cơ hội học tập cho mọi thí sinh có nhu cầu học tập tùy theo năng lực và điều kiện kinh tế. Thế nhưng đã tổ chức các kỳ thì thì phải đảm bảo nghiêm minh, công bằng, khách quan, minh bạch... mọi tổ chức cá nhân vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Thi vào lớp 10 THPT là một cuộc chơi sòng phẳng càng cần minh bạch. Đỗ thì vào trường công, không đủ điểm thì vào trường tư hoặc có những lựa chọn khác chứ không thể biến đỗ thành trượt, biến trượt thành đỗ mà lỗi lại do chính những người làm giáo dục tạo ra. Giáo dục dạy cho con người tri thức, dạy cho con người đạo đức biết đúng, sai, biết sống vì sự công bằng vươn đến những điều tốt đẹp… Việc gian lận điểm thi chính là đi ngược lại cái triết lý giáo dục mà chúng ta đã và đang hướng tới.

Ở cái tuổi 15, các em như những cây non bắt đầu vào độ lớn cả về sinh lực và trí lực. Nhìn sự việc điểm thi vào lớp 10 bất thường ở Thái Bình, Hải Phòng nhiều người đã liên tưởng đến những cái cây có thể bị sâu đục thân ngay từ sớm thì khó phát triển để cho đời những trái thơm, quả ngọt.

Người ta thường ví kỳ thi vào lớp 10 là cuộc "vượt vũ môn". Nếu câu chuyện bất thường ở những bài thi vào lớp 10 chưa chấm dứt thì liệu "vượt vũ môn", cá chép có hóa rồng?