Ngày 8/8, mạng xã hội lan tỏa đoạn clip ghi lại cảnh người đi đường lao vào kéo tài xế mắc kẹt trong ô tô sau vụ tai nạn liên hoàn trên cầu Phú Mỹ. Nếu bạn không hình dung được thì tôi sẽ mô tả lại sự nguy hiểm, rằng chỉ vài phút sau khi cứu được người bị nạn, ngọn lửa lớn bao trùm chiếc xe.

Công an thành phố Hồ Chí Minh sau đó phát thông báo tìm những người đã giải cứu tài xế. 5 người hùng đã nhận khen thưởng cho hành động dũng cảm. 5 người hùng đã truyền những ấn tượng đẹp đến cộng đồng.

Ngày 11/8, mạng xã hội đăng tải clip tài xế 46 tuổi đuổi theo một thanh niên 26 tuổi suốt hơn 2 km chỉ vì suýt va chạm trên đường. Sau khi ép nạn nhân vào lề đường, ông này vớ được khúc xương trên vỉa hè, đập vỡ kính ôtô, buộc lái xe quỳ lạy, xin lỗi. Ông vừa dọa đánh vừa hỏi "Mày biết tao là ai không?". Tối cùng ngày, ông bị công an tỉnh Bình Dương tạm giam. Cả nước biết ông là ai.

2 sự việc 2 bối cảnh nhưng nhắc chúng ta về văn hóa khi tham gia giao thông.

Lưu thông trên đường vốn dĩ tiềm ẩn nhiều rủi ro, chọn đối xử với nhau bằng sự tôn trọng hay tranh quyết liệt đến cùng – tất nhiên đó là lựa chọn cá nhân. Đáng tiếc là thực tế, một sự cố giao thông cũng có thể bùng phát thành bạo lực và những hành vi cực đoan lại là chuyện không hiếm gặp.

Di chuyển trên đường, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những vụ chặn đầu xe, lôi nhau vào lề đường, thậm chí đứng giữa đường trong sự kẹt cứng để tranh cãi đúng sai, sau đó là đánh hoặc rượt đuổi nhau chạy trên phố.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này có thể bắt nguồn từ thói quen không tuân thủ pháp luật ở nhiều khía cạnh của đời sống, trong đó có tham gia giao thông.

Dù đi chơi hay vì công việc, quãng đường đó ngắn hay dài, bạn hay tôi đều rất có thể trở thành nạn nhân của thói côn đồ, của những lời tục tĩu, thiếu văn hóa… Khi xã hội càng phát triển, càng có thêm nhiều người, nhiều phương tiện tham gia giao thông thì những hành vi phản cảm như thế này lại càng dễ xảy ra…

Một lời xin lỗi đúng mực, một nụ cười ân cần hay một cái bắt tay chân thành có thể làm thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của những tài xế. Nhưng, xã hội không thể vận hành trông chờ vào ý thức hay sự nhường nhịn.

Muốn hình thành văn hóa giao thông, muốn việc đi lại trên đường không trở thành trải nghiệm đáng sợ thì việc đầu tiên mỗi cá nhân cần làm là chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về giao thông. Thượng tôn pháp luật sẽ tạo nên văn hóa giao thông.

Người đi sai phải chịu phạt, kẻ có tội cần được xử đúng luật. Điều đơn giản ấy, nếu hiện hữu trong từng sự việc đơn lẻ, sẽ dần nâng cao nhận thức, buộc con người cư xử đúng mực hơn, để đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật cho mọi công dân. Và hơn lúc nào hết, cần lắm một nền tảng về văn hóa, văn minh giao thông để nhân lên những hành động đẹp trong cộng đồng./.