Hai tháng sau ngày mất em trai 17 tuổi bị suy tim, xơ phổi vì không tìm được nguồn tạng hiến, người chị gái không may tai nạn giao thông và chết não. Khi biết không thể níu giữ sự sống cho con gái được nữa, nén nỗi đau thương, gia đình đã quyết định hiến tặng trái tim, một quả thận và hai giác mạc để hồi sinh những cuộc đời mới. Đây là một trong những câu chuyện gây xúc động mạnh, thực sự lay động cảm xúc của nhiều người trong thời gian qua.
Và còn rất nhiều câu chuyện về những người không may chết não mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân khác đã thắp lên và lan tỏa ngọn lửa nhân ái trong cộng đồng.
Việt Nam không thiếu các chuyên gia giỏi, trình độ ghép tạng không thua kém các nước phát triển trên thế giới. Bằng chứng là rất nhiều ca ghép tạng khó đã được thực hiện, mang lại điều kỳ diệu, giúp hồi sinh cho hơn 8.000 người vốn đã cận kề cái chết. Tuyệt vời hơn, 100.000 người dân nước ta đã vượt qua định kiến chết phải toàn thây để đăng ký hiến mô tạng sau khi chết não.
Và mới đây nhất, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tạng đã thực sự là một hành động ấn tượng, truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng nhau thực hiện một việc làm nhân văn và ý nghĩa. Ngay sau đó, danh sách đăng ký hiến tạng đã nhanh chóng tăng lên hàng chục nghìn người.
Chúng ta vẫn đang tiếp tục hy vọng danh sách này sẽ được nối dài bằng những tấm lòng nhân ái sẵn sàng sẻ chia sự sống cho người khác. Bởi cho dù số lượng người đăng ký hiến tạng đã tăng lên nhưng tỷ lệ người hiến tạng sau khi chết não còn quá ít ỏi so với tổng dân số. Mỗi ngày vẫn có khoảng 30 bệnh nhân suy tạng phải từ giã cuộc đời vì không được ghép tạng. Hàng chục nghìn người bị suy gan, suy thận, suy tim…giai đoạn nặng đang cố duy trì sự sống, mòn mỏi chờ có tạng để ghép.
Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của cuộc đời con người mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Dẫu biết, chết là hết, nhưng không ít người vẫn chưa thể vượt qua nỗi sợ hãi mơ hồ sau khi sự sống chấm dứt. Rào cản tâm lý vẫn là trở ngại lớn nhất, khó khăn nhất trước khi mỗi người đặt bút ký vào tờ giấy đăng ký hiến tạng sau khi chết.
Dù đã có nhiều biện pháp để giảm thiểu nhưng mỗi ngày trung bình cả nước vẫn có khoảng 30 người tử vong do tai nạn giao thông. Theo các chuyên gia y tế, nếu có được nguồn tạng hiến tặng này cũng sẽ giúp cho rất nhiều bệnh nhân được cứu sống.
Những cuộc đời đột ngột bị cắt ngang thường khiến gia đình, người thân đau xót và bối rối, khó có thể ngay lập tức quyết định trao đi một phần cơ thể nạn nhân. Song, nếu mỗi người đã đăng ký hiến tạng từ trước, chuẩn bị tâm thế cho người thân, bạn bè thì việc hiến mô, tạng đối với tất cả chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, thậm chí hạnh phúc.
Khi thực hiện nghĩa cử cao đẹp đăng ký hiến tạng, chắc chắn không ai mong phải được đền đáp. Nhưng những chính sách thể hiện sự tri ân, quan tâm sâu sắc hơn nữa đối với người hiến tạng và thân nhân người hiến là điều cần thiết.
Các quy định về luật pháp đang được tích cực nghiên cứu để tạo thuận lợi cho những người mong muốn được hiến tạng. Những điểm chưa phù hợp của chính sách chắc chắn sẽ sớm được sửa đổi và thực hiện.
Song nhận thức thì khó có thể thay đổi ngày một, ngày hai. Bởi vậy, nếu chúng ta thường xuyên chia sẻ, cập nhật những câu chuyện nhân văn về người hiến tạng, mọi người trong cộng đồng mở lòng với nhau hơn thì hiến tạng sẽ không còn là vấn đề xa lạ mà từng bước chúng ta sẽ cùng nhau tạo nên một dòng chảy văn hóa tận hiến trong mỗi người dân Việt Nam.