Một cơ sở bán bánh mỳ, mỗi ngày bán tới hơn 1.000 chiếc, nhưng lại không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 4 nhân viên tại cơ sở đều không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe...
Đây là những gì cơ quan chức năng thông báo sau khi cửa hàng bánh mỳ Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) gây ra ngộ độc làm 568 người nhập viện, 8 trường hợp nặng, trong đó 2 trường hợp rất nặng phải lọc máu và thở máy.
Đáng ngạc nhiên, cửa hàng bánh mỳ này đã có thâm niên hoạt động gần 20 năm nay, vậy mà những sai phạm không hề bị cơ quan chức năng phát hiện cho đến khi xảy ra vụ ngộ độc nghiêm trọng.
Sự thật bị vỡ lở, vỡ lẽ nhiều thứ
Nếu trích lục lại báo cáo hàng năm của chính quyền thành phố Long Khánh (Đồng Nai), chắc chắn không thể thiếu những dòng tổng kết về hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc thành lập các đoàn, kiểm tra chuyên đề, giám sát liên ngành.
Thế nhưng, vì sao “con voi chui lọt lỗ kim”? Một cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn lại tồn tại cả chục cái “không” vẫn nghiễm nhiên buôn bán tấp nập, nằm ngoài "tầm mắt" của chính quyền địa phương?
Câu trả lời chỉ có thể là: đây không phải là “lỗ kim” mà là một lỗ hổng rất lớn, lỗ hổng vì sự buông lỏng trong quản lý thức ăn đường phố.
Nếu ai đó kinh doanh nhà hàng chắc chả lạ lẫm gì khi một năm đôi ba lần có đoàn kiểm ra đến “hỏi thăm”, thậm chí yêu cầu xuất trình đủ các loại giấy tờ, thủ tục, chứng nhận về an toàn thực phẩm.
Có một thực tế, các đoàn giám sát thường có xu hướng “chăm” kiểm tra các nhà hàng lớn. Vì sao ư? Vì dễ làm và dễ có cả quà cáp, phong bì khi ra về.
Còn những cơ sở kinh doanh đường phố phức tạp hơn rất nhiều. Số lượng cơ sở buôn bán lớn, nhỏ lẻ, di biến động liên tục, nhiều yếu tố nguy cơ tồn tại... Vì thế, dù hầu hết những nơi như thế này “sờ” vào đâu cũng thấy vi phạm nhưng lại ít được cơ quan chức năng cho vào tầm ngắm.
Trong khi nguyên tắc của thanh kiểm tra là quản lý rủi ro, tức là càng ở những nơi nhiều nguy cơ sai phạm càng phải ráo riết giám sát. Vậy nhưng, ở ta lại có xu hướng làm ngược lại.
Nghịch lý tồn tại không chỉ ở một địa phương
Ở đâu, cơ quan quản lý cũng kêu: quản lý thức ăn đường phố khó lắm, xử lý vi phạm xong chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, lực lượng mỏng, làm không xuể... Quả đúng là khó thật. Nhưng khó cũng phải làm và càng khó càng phải làm.
Bởi nếu cứ “né” thì những “quả bom” như kiểu bánh mỳ Băng ở Đồng Nai chỉ là câu chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Vụ ngộ độc thực phẩm tại bánh mỳ Băng đã được chuyển sang cơ quan điều tra để xác minh làm rõ vì có dấu hiệu vi phạm tại Điều 317 Bộ luật Hình sự về hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Đây được xem là động thái mang tính răn đe, nghiêm trị, bởi thông thường những vụ việc thế này sẽ chỉ bị phạt vi phạm hành chính.
Đơn cử như vụ ngộ độc thực phẩm tại bánh mỳ Phượng (Hội An, Quảng Nam) chỉ bị phạt 96 triệu đồng và chi trả các khoản chi phí điều trị cho hơn 300 nạn nhân bị ngộ độc.
Nhưng sự răn đe, chấn chỉnh còn cần thiết với cả những cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm trong phạm vi quản lý của mình.
Dư luận vẫn đang chờ đợi…