Sau bao năm chờ đợi của những người làm công tác bảo tồn văn hóa, cuối cùng Quỹ bảo tồn di sản văn hóa cũng chính thức được đề xuất trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.
Tại khoản 1 Điều 90 của dự thảo Luật quy định: “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ…”
Như vậy, quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được đề xuất quy định như một hình thức xã hội hóa thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thông qua quy định về nội dung, hình thức, cơ chế khai thác, sử dụng di sản văn hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Trên thực tế, quỹ bảo tồn di sản văn hóa đã tồn tại rất thành công trong phạm vi một địa phương như Thừa Thiên Huế. Kể từ khi thành lập quỹ này, Thừa Thiên Huế đã huy động được nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản được Unesco vinh danh. Minh chứng cho điều này, mới đây, Thừa Thiên Huế vừa tổ chức khánh thành dự án tu bổ lăng hoàng hậu Từ Dũ hoàn toàn bằng xã hội hóa từ Quỹ Bảo tồn di sản Huế.
Quay trở lại câu chuyện hồi hương ấn Hoàng Đế Chi Bảo vào cuối năm ngoái. Vì không có quy định cho sử dụng ngân sách nhà nước về hồi hương cổ vật nên cuối cùng việc đưa cổ vật về nước phải dựa hoàn toàn vào nguồn lực tư nhân.
Di sản văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, tuy nhiên, trong đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiều di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia xuống cấp nghiêm trọng; nhiều di vật, cổ vật còn lưu lạc nước ngoài.
Trong khi, kinh phí Nhà nước còn hạn hẹp, việc kêu gọi thành lập hay vận hành quỹ lại chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Vì vậy, trong nhiều năm qua, mặc dù Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ song quy định chưa rõ nên rất khó thực hiện. Điều đó vô hình chung đã “trói buộc” những người làm công tác văn hóa nói chung và công tác bảo tồn di sản văn hóa nói riêng. Để rồi những di tích quốc gia hư hỏng, xuống cấp; những di vật, cổ vật “ra đi” trong …tiếc nuối.
Nếu quỹ bảo tồn di sản văn hóa được Luật hóa sẽ giúp giải quyết vướng mắc, khó khăn hiện nay của ngành Di sản văn hóa. Từ đó, các hoạt động về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hay công tác tu bổ, sưu tầm, đưa các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt về nước có lẽ sẽ được kịp thời và dễ dàng hơn.
Trên thực tế, nhiều quỹ phát triển văn hóa đã được các quốc gia thành lập từ rất sớm, giúp tăng tính chủ động trong thực hiện các chiến lược đầu tư cho bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa. Tiêu biểu như Quỹ bảo tồn văn hóa của Hoa Kỳ (AFCP) đã hỗ trợ tài chính giúp di sản Việt Nam được hưởng lợi suốt 20 năm qua, với 16 dự án bảo tồn được thực hiện.
Mô hình và kết quả hoạt động bước đầu của những quỹ này càng cho thấy, sự cần thiết của việc phải có cơ chế để tích hợp các nguồn tài chính đa dạng từ cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói riêng. Vấn đề là phải nghiên cứu một cơ chế vận hành để hoạt động của quỹ được hiệu quả như kỳ vọng.
Việc tổ chức, quản lý, điều hành, phân phối quỹ cần được cụ thể hóa bằng những quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng để họ chung tay vì mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đất nước.
Không thể phủ nhận, quỹ bảo tồn di sản văn hóa được coi là giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Bởi khi quỹ được thành lập sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách để xã hội hóa tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.