Phạm Đức Hải, tức Hải Idol cùng 3 người khác bị cáo buộc gây rối trât tự công cộng trong vụ dàn hàng xe sang để chụp ảnh cưới trên trục đường giao thông thuộc xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì lại thêm một hình ảnh phản cảm nữa về một nhóm phụ nữ trải thảm, tạo dáng tập yoga ở giữa đường Trần Hưng Đạo, tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình để chụp ảnh, quay clip. Những hình ảnh về nhóm phụ nữ này cũng được chia sẻ rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội.
Vẫn chưa hết, cùng thời điểm một hình ảnh khác tương tự, ghi lại cảnh nhóm 3 người phụ nữ tạo dáng với chiếc xe ô tô đỗ ở lề đường trong đó, một người phụ nữ còn gây "sốc" khi tạo tư thế chụp ảnh trên nóc ô tô. Và mới đây nhất, một đoạn clip quay lại cảnh 5 em nhỏ vừa nhảy nhót, vừa băng qua phần đường dành cho người đi bộ ngay trước khu vực chờ đèn đỏ có rất đông phương tiện giao thông. Thậm chí là xuất hiển nhan nhản những video có nội dung phản cảm, giật gân, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục.
Bất chấp nguy hiểm cho bản thân lẫn những người xung quanh chỉ để câu like, câu view, sống ảo, các tiktoker hay facebooker đang tạo nên một trào lưu độc hại lan truyền trên mạng xã hội.
Đáng lo hơn khi các nội dung thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, độc hại đó không chỉ dừng lại ở những sự vụ mắt thấy, tai nghe mà nguy hiểm hơn nó rất có thể xâm nhập, dẫn dắt lối sống của giới trẻ.
Những nội dung, hành vi đi ngược lại văn hóa thuần phong mĩ tục, thậm chí vi phạm pháp luật nếu lặp đi lặp lại với các bạn trẻ - những người coi mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong đời sống sẽ có thể khiến họ cảm thấy quen thuộc, lâu dần sẽ coi đó là hiển nhiên và làm theo.
Và rồi, nếu những sai phạm được cho là nhỏ và dễ dãi bỏ qua thì sẽ dần dẫn đến những sai phạm lớn hơn, gậy hậu quả nghiêm trọng hơn.
Và ai cũng biết, trong bối cảnh thói “câu view, sống ảo” ngày càng phổ biến và việc quay video, chụp ảnh để đăng lên mạng lại quá dễ dàng thì những trào lưu độc hại ấy có thể tấn công bất kỳ ai trên mạng xã hội, không phân biệt độ tuổi.
Hệ lụy không thể đong đếm nhưng lại cũng không thể lý giải khi những hành động phản cảm, vô ý thức ấy lại trở thành trào lưu lan truyền nhanh chóng với sự hưởng ứng một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ của một bộ phận người dùng mạng internet.
Và thật tai hại khi lượng theo dõi tăng nhanh, lên đến cả triệu người, nhiều TikToker, Youtuber, facebooker tự phong cho mình là người nổi tiếng, là chuẩn mực và có quyền phê phán, lên án người khác.
Đáng tiếc thay, cái giá của sự nổi tiếng dành cho các tiktoker, facebooker làm nội dung bẩn, câu view, coi thường pháp luật ấy đã lần lượt bị cơ quan chức năng triệu tập, xử phạt.
Điển hình như TikToker Nờ Ô Nô bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Hay như Hứa Quốc Anh, Nhật Hải Biết Tuốt,... cũng là những tiktoker từng nhận mức phạt tương tự.
Còn mới đây, Tiktoker Hải Idol cũng đã bị bắt giam, nhóm người tập Yoga nằm, ngồi giữa đường để chụp ảnh ở Thái Bình cũng bị xử phạt.
Ở một góc độ nào đó, phải nói nói là sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng vừa giải tỏa những bức xúc của dư luận, vừa là lời cảnh tỉnh nghiêm minh, là bài học nhãn tiền cho những ai đã và đang có ý định câu like, câu view bằng những nội dung bất chấp đạo đức, pháp luật.
Dẫu chúng ta không thể một sớm một chiều dẹp sạch “rác” trên mạng xã hội nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nó để trả lại đúng sứ mệnh của mạng xã hội là truyền cảm hứng sáng tạo và mang đến niềm vui, sự tích cực, lạc quan cho cộng đồng.
Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý là chắc chắn, nhưng thiết nghĩ một yếu tố quan trọng hơn chính là thái độ của người sử dụng mạng xã hội. Đừng dễ dãi mà hãy tẩy chay một cách dứt khoát đối với những TikToker, facebooker làm lố, trục lợi và mỗi chúng ta - những người sử dụng mạng xã hội phải có bản lĩnh, có văn hóa thì mới mong xây dựng được một môi trường mạng xã hội lành mạnh, văn minh.