Kỳ nghỉ hè đã đi qua một nửa. Người lớn chúng ta vẫn thường đặt vào khoảng thời gian ấy đủ thứ kỳ vọng. Rằng con sẽ biết tự lập hơn, bản lĩnh hơn, sống có trách nhiệm hơn.
Và thế là trại hè trở thành lựa chọn phổ biến, thậm chí có những cha mẹ coi khoảng thời gian ở đây như một phép thử tâm lý: rời xa bố mẹ vài ngày, tham gia vài trò chơi “vượt giới hạn”, nghe vài bài nói chuyện truyền cảm hứng – thế là con sẽ khác.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Vì không phải cứ rời tay bố mẹ là trẻ con sẽ biết lớn. Không phải cứ có vài dòng “cam kết trưởng thành vượt bậc” là ta có thể mặc định một đứa trẻ sẽ khác đi.
Chúng ta đang gán quá nhiều ý nghĩa lên những điều vốn dĩ nên diễn ra tự nhiên. Một đứa trẻ nhịn vệ sinh vì sợ bẩn, bị trêu chọc nhưng không dám nói ra - đáng lẽ cần được lắng nghe và điều chỉnh. Nhưng rồi, những điều đó lại được gọi là “trải nghiệm để lớn”.
Đó không phải là trưởng thành. Đó là sự nhẫn nhịn trong sợ hãi.
Vấn đề nằm ở chỗ: chúng ta quá dễ chấp nhận mọi va vấp của trẻ là bài học. Trong khi có những thứ, nếu không xử lý đúng lúc và đúng cách, sẽ để lại cảm giác bất an chứ không phải bản lĩnh.
Mỗi phụ huynh mang con đến trại hè với một kỳ vọng khác nhau. Có người mong con bớt nhút nhát. Có người muốn con rèn kỷ luật. Có người đơn giản chỉ muốn con tạm rời màn hình. Những kỳ vọng ấy không sai – nhưng nếu thiếu hiểu con, thiếu tìm hiểu mô hình thì kỳ vọng rất dễ biến thành áp lực.
Có người từng nói: “Trại hè là cách để người lớn chuộc lỗi với việc không có thời gian cho con”. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng không hẳn là không có lý. Khi không thể ở bên, ta gửi con đi và hy vọng nơi đó sẽ thay mình dạy dỗ, uốn nắn, truyền cảm hứng. Nhưng giáo dục không thể là việc “ủy thác”. Trẻ không cần được “gửi gắm kỳ vọng”, trẻ cần được đồng hành.
Không có đứa trẻ nào trưởng thành chỉ sau một khóa tham gia trại hè. Trưởng thành là một quá trình và thường bắt đầu từ những điều rất nhỏ: biết gấp quần áo, biết nói cảm ơn, biết từ chối khi chưa sẵn sàng. Quan trọng hơn, là dám bày tỏ điều mình nghĩ, thay vì làm theo điều người lớn muốn thấy.
Trại hè, nếu được thiết kế tốt, có thể là nơi khơi mở. Nhưng nếu chỉ chăm chăm “tạo thử thách” để chứng minh con đã “vượt giới hạn bản thân”, thì có khi chính người lớn mới là người chưa hiểu giới hạn thật sự của con mình.
Không thiếu những mô hình được truyền thông rầm rộ, gắn mác “trưởng thành vượt bậc”, “đánh thức bản lĩnh”, “hành trình thay đổi”. Nhưng nếu một đứa trẻ trở về trong mệt mỏi, lo lắng - thì những khẩu hiệu ấy rốt cuộc để làm gì?
Một trại hè đúng nghĩa phải biết tôn trọng cảm xúc cá nhân, tạo ra vùng an toàn tối thiểu về tâm lý. Không phải để nuông chiều trẻ, mà để đảm bảo rằng khi con muốn lùi lại, muốn nói “không”, các em không bị coi là yếu đuối.
Trẻ con không cần trại hè để trở nên phi thường. Trại hè, trước hết, cần để vui!
Các em chỉ cần một nơi tử tế để được là chính mình - được thử, được sai, được sửa và lớn lên theo cách riêng của mình mà không bị thúc ép.
Nếu có một phép màu nào thực sự tồn tại thì nó không nằm trong chương trình kéo dài 7 ngày mà nằm ở sự lắng nghe, ở sự hiện diện đủ đầy của người lớn - nhất là trong những khoảnh khắc bình thường: khi con kể về nỗi sợ, về chuyện bị bạn trêu, hay chỉ đơn giản là nói “con không thích trại hè lắm”./.