Vẫn như buổi chiều mọi ngày, bà Nguyễn Thị Ba, 76 tuổi ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bán vội những tờ vé số để kịp về chuẩn bị đứng lớp. Theo chân bà, chúng tôi được mời về căn phòng chừng 15 mét vuông nơi bà sinh sống. Nhỏ bé là vậy, nhưng từ khi bước chân vào tới cửa chúng tôi đã thấy tràn đầy sức sống với những chậu cây sống đời được bà trang trí ngay lối vào.
Bà giáo già cười hiền hậu gọi chúng tôi là con và xưng cô, rồi chúng tôi được cô Ba say sưa chia sẻ về cuộc sống, về những câu chuyện ở lớp học tình thương, về những ngọt bùi của nghề nhà giáo,…
Trải lòng về cuộc đời mình, cô Ba rất kiệm lời và không muốn nói nhiều về những việc mình đã làm. Cuộc đời của cô Ba không hề êm đềm như bao người khác. Từ khi lấy bằng sư phạm vào năm 1968, cô đã dành cả cuộc đời mình cho nghề giáo, từng dạy học tại trường Tiểu học Tương Bình Hiệp cho đến khi về hưu vào năm 2003.

Năm 2012, biến cố ập xuống gia đình của bà giáo khi Ba mất, anh ruột thì ở xa tận Vĩnh Long, bản thân không lập gia đình nên cô từng có ý định vào trung tâm dưỡng lão để sống. Suy nghĩ lại, dù sao cô vẫn còn cái nghề, còn niềm đam mê dạy học, với số tiền ít ỏi trong túi hơn 1 triệu đồng, cô Ba quyết định thuê một căn trọ nhỏ, hàng ngày nhận vài em về dạy thêm tại nhà.
Để có thêm chi phí mua sách vở cho các em, cô Ba đi bán vé số. Trên đường bán vé số hàng ngày, cô Ba gặp rất nhiều trẻ em không biết chữ, có em do nhà nghèo, em cha mẹ ly tán, cũng có trường hợp éo le vì không có giấy khai sinh nên phải đi bán vé số thay vì đến trường.
Thế là sau 13 năm nghỉ hưu, bà giáo một lần nữa trở lại bục giảng. Khi lớp học tình thương ở phường Phú Cường đang rất thiếu giáo viên, cô Ba quyết định xin tham gia dạy miễn phí qua lời giới thiệu của những người bạn trong hội giáo chức về hưu.
Bước vào lớp học tình thương, cô Ba không chỉ là một người dạy học, mà còn là một người mẹ, một người bà đỡ đầu cho cuộc đời những đứa trẻ kém may mắn. Trong căn phòng nhỏ chật chội, cô Ba dạy học miễn phí cho 14 em học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi em đều có hoàn cảnh, độ tuổi và trình độ khác nhau.

Bằng việc làm cao quý, cống hiến cho cộng đồng, cô giáo Nguyễn Thị Ba là một trong 10 cá nhân được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Tình nguyện viên quốc gia năm 2020.
Nhiều năm như thế, mỗi tối cô Ba lặn lội đi bộ 2 km từ phòng trọ đến lớp bất kể ngày nắng hay này mưa. Nhưng sau một lần bị tai nạn vào tháng 9 năm 2022, sức khỏe cô Ba giảm sút rõ rệt, cô chỉ còn nhận dạy vào thứ 2, 4, 6 mỗi tuần. Tuy nhiên, cô vẫn quyết định tiếp tục dạy học cho đến khi các em hoàn thành lớp 5 và có thể tự mình tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

Mỗi tháng, bà giáo có hơn 4 triệu đồng tiền lương hưu, một nửa để đóng tiền trọ, một nửa để sinh sống. Còn tiền bán vé số cô dành toàn bộ mua đồ dùng học tập cho học trò và mua phần thưởng để khích lệ các em chăm chỉ đến lớp.
Mỗi ngày cô lấy 240 tờ vé số, bán hết sẽ có lãi 240 ngàn đồng. Cứ mỗi chiều, cô Ba lấy vé số về đi bán đến 17 giờ thì cô về chuẩn bị đi dạy, lớp học kết thúc thay vì về nhà trọ nghỉ ngơi, cô Ba lại tranh thủ đi bán để sáng hôm sau đớ phải cực hơn, vì mùa này nắng quá.
Chỉ về tấm bằng khen được Chủ tịch UBND tỉnh tặng, bà giáo già háo hức chia sẻ, năm nay được thưởng 20 triệu đồng ngay đêm giao thừa, cô để tiền đó lo cho tụi nhỏ.
Rồi tự nhiên cô lộ vẻ suy tư. Cô bảo, năm nay cũng yếu rồi, đi không nỗi nữa, cô đang tìm một bạn có nghiệp vụ sư phạm, tình nguyện đứng lớp để cô yên tâm nghỉ ngơi.

Và như một lời tạm biệt, vào cuối năm ngoái, cô Ba đã chấm dứt cuộc hành trình dạy học của mình. Nhưng những dấu ấn mà cô Ba để lại trong lòng các em học sinh sẽ sống mãi, và những giá trị mà cô truyền đạt sẽ tiếp tục lan tỏa, vươn xa hơn nữa.
Dù bước ra khỏi phòng học, nhưng tinh thần của cô Ba sẽ vẫn hiện diện trong mỗi học sinh, mỗi người đang theo đuổi ước mơ của mình. Những người trẻ đã được cô chăm sóc, dạy dỗ sẽ trở thành những tấm gương sáng, mang theo hạnh phúc và thành công của mình, cống hiến cho xã hội và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Theo Ngaymoionline