Người cao tuổi trầm cảm do cô đơn, chấn thương tâm lý
Vài tuần trở lại đây, vợ chồng chị Nguyễn Thúy Hà (ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) vô cùng lo lắng về tình trạng sức khỏe của mẹ ngày càng có biểu hiện xấu đi. Theo lời chị Hà, bố chồng chị đột ngột qua đời khi lên cơn nhồi máu cơ tim cách đây hơn một tháng khiến cả gia đình đều bị sốc, đặc biệt là mẹ chồng chị. Chị Hà kể: “Ông bà sống tình cảm lắm, tuy đã cao tuổi nhưng vẫn rất quấn quýt nhau. Từ ngày về làm dâu nhà chồng, tôi chưa thấy ông bà to tiếng với nhau bao giờ. Thế nên, sự ra đi của ông khiến bà thực sự hụt hẫng về tinh thần, bà chẳng thiết ăn hay làm bất cứ việc gì khác. Đêm đến, chị hay thấy bà ngồi bần thần trước bàn thờ rồi khóc một mình. Ban ngày, bà cũng tự giam mình trong phòng, mang quần áo của ông ra gấp đi, gấp lại cả chục lần”
Lúc đầu vợ chồng chị nghĩ, do cú sốc tinh thần quá lớn nên bà cần thời gian để thích nghi. Tuy nhiên, càng về sau, bà càng có nhiều biểu hiện khác lạ như không muốn nói chuyện với mọi người trong gia đình và hay nhắc đến… cái chết. “Thấy hoảng quá, vợ chồng tôi phải động viên bà đi kiểm tra sức khỏe. Ai ngờ bác sĩ cho biết, mẹ tôi đang ở giai đoạn đầu của bệnh trầm cảm. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả xấu về sau”, chị Hà bùi ngùi kể lại.
Trên thực tế, trường hợp của mẹ chồng chị Hà không hiếm mà diễn ra khá phổ biến. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, Hà Nội), người cao tuổi rất hay rơi vào trạng thái trầm cảm khi về hưu hoặc sau một biến cố nào đó trong đời sống. Việc con cái, cháu chắt thường xuyên đi làm, đi học vắng nhà khiến người cao tuổi luôn cảm thấy cô đơn. Chính vì vậy, rất nhiều người cao tuổi thấy tù túng như bị “giam lỏng” trong chính ngôi nhà của mình. Họ thường có tâm lý mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ. Nhiều người còn có biểu hiện như xa lánh người thân, bạn bè, không muốn trò chuyện với bất kỳ ai.
Đẩy lùi trầm cảm bằng cách nào?
PGS.TS Phạm Thắng- Viện trưởng Viện Lão khoa Trung ương cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm ở người cao tuổi như: Do di truyền, do các biến cố trong cuộc sống hoặc các yếu tố xã hội tác động. Trong đó, việc sống cô đơn, bó hẹp trong một không gian nhất định, ít có sự tương tác với những người xung quanh là một trong những yếu tố quan trọng gây nên căn bệnh này”.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Phạm Thắng, việc người cao tuổi thường phải đối mặt với những chấn thương về tâm lý như sự “ra đi” của người thân, bạn bè cũng sẽ dẫn đến tình trạng buồn chán, suy sụp về tinh thần. Khi nỗi buồn kéo dài quá lâu đến mức không còn thấy niềm vui trong cuộc sống thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm thường rất cao. Người cao tuổi là nhóm đối tượng rất dễ mắc phải những chứng bệnh do lão hóa như: Đau nhức xương khớp, tiểu đường, huyết áp… nên họ thường phải sử dụng các loại thuốc để điều trị. Trong số các loại thuốc đó, nhiều thuốc có tác dụng phụ gây chứng trầm cảm.
Để giúp phòng tránh bệnh trầm cảm ở người già, PGS.TS Phạm Thắng khuyến cáo, người cao tuổi nên thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể để tăng tính tương tác, tích cực giao lưu, trao đổi và tham dự các CLB dưỡng sinh, văn nghệ để “trẻ hóa” bản thân, tránh sống quá khép kín, không giao tiếp với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, sự quan tâm, trò chuyện thường xuyên của người thân trong gia đình sẽ khiến người cao tuổi bớt cảm thấy cô đơn. Con cháu thỉnh thoảng nên tổ chức những chuyến tham quan, nghỉ dưỡng để “đổi gió” cho ông bà, cha mẹ. Xây dựng các hoạt động giúp cho người cao tuổi được trẻ hóa bản thân, tức là họ biết tự chăm sóc bản thân mình, không tạo gánh nặng cho xã hội và được làm những gì họ muốn. Tuổi thọ cao là một thành tựu của ngành y tế chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay của nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi và khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi.
Nguồn: Báo Gia đình xã hội online