Nghe chương trình tại đây:
Trong y học, người cao tuổi được chia thành các nhóm: từ 60 – 75 tuổi gọi là tuổi bắt đầu già, từ 75 – 90 tuổi là người già còn trên 90 tuổi người già sống lâu.
Đến giai đoạn bắt đầu già, người cao tuổi xuất hiện những dấu hiệu suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đây chính là khởi nguồn những biến đổi tâm sinh lý do tuổi tác. Vì vậy, sống cùng người cao tuổi, các thành viên khác sẽ không tránh khỏi những hiểu nhầm, đôi khi thấy khó chịu với ông bà, cha mẹ mình.
Chị Ngô Thanh Thủy ở quận Đống Đa, Hà Nội đo đếm tuổi tác của cha mẹ bằng tốc độ của những lần nhớ nhớ quên quên.
"Bố mẹ chồng tôi hơn 90 tuổi rồi, ăn rồi bảo chưa ăn. Ai đến hỏi thăm thì bảo chúng nó chả chăm sóc tôi gì cả" - chị Thủy kể.
Gia đình 3 thế hệ sống cùng trong ngôi nhà 5 tầng, tầng 1 và tầng 2 chị Thủy để kinh doanh. Công việc làm tại nhà cũng có thời gian để chị chăm sóc bố mẹ già và con nhỏ. Có gì ngon chị luôn nhắc con mang lên mời ông bà trước hoặc khi bận rộn chị nhờ nhân viên mang lên.

Ở tuổi ngoài 90 nếp ăn nếp ở của ông bà dường như khác hẳn với con cháu. Ông bà vẫn còn khỏe mạnh, việc leo cầu thang mỗi ngày không phải là vấn đề khó. Chỉ là ông bà ngại ra ngoài, sợ sự ồn ào xung quanh. Vậy là việc ăn uống, thiết bị sinh hoạt của ông bà được chị Thủy thiết kế riêng.
" Ví dụ, ông bà ăn đồ mềm. Cơm hay rau đều phải ướt. Hoặc ông bà không thích nhiều món trong một bữa đâu, họ chỉ cần một món rau, một món mặn thế là đủ" - Chị Thủy chia sẻ.
Việc suy giảm sức khỏe ở người cao tuổi cũng dẫn đến suy giảm các chức năng trong cơ thể. Một trong số đó là trí nhớ không còn minh mẫn, lãng tai và có người thì thay tính đổi nết.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi có tuổi, cuộc sống bó hẹp trong gia đình nên con người có xu hướng suy nghĩ đến bản thân nhiều hơn. Ngược lại, lớp trẻ năng động và luôn có xu hướng “hướng ngoại”. Họ có phong cách sống trẻ trung, nghĩ cũng “thoáng” hơn. Điều này gây nên những mâu thuẫn trong các gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà.
Chị Phan Thu Hương ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng không ngờ đến một ngày bố lại trở nên khó nết trong chuyện ăn uống.
"Ăn uống không phù hợp là ông rất khó tính, chỉ muốn khùng lên, hắt đi, không cần biết người xung quanh. Ý của ông là ông không thích ăn tỏi thì người khác cũng không được ăn bên cạnh" - chị Hương cười khi kể về bố. Ông bị đột quỵ, chị gần như nghỉ việc hoàn toàn để qua lại chăm bố.
Người già thường chỉ loanh quanh trong ngôi nhà cả ngày, khi gặp vấn đề sức khỏe, họ càng ngại giao lưu, tâm lý tự ti tràn ngập. Con cái, cháu chắt càng lớn, càng có cuộc sống riêng, đi làm đi học, ít dành thời gian trò chuyện với ông bà nên người già thường xuyên cảm thấy cô đơn. Họ thường thích làm theo ý họ và không tin tưởng nhiều vào con cái.

Chị Thanh Thủy kể, bố chồng chị khi bệnh thường không muốn vào viện. "Khi đưa đến viện thì ông chửi cả bác sĩ là không hiểu biết gì. Mình phải nói với ông là họ học 10 năm mới có bằng để chữa bệnh, thì ông mới thôi". Chị Thủy cho rằng, chăm bố mẹ già mà tự ái, thiếu kiên nhẫn thì rất dễ hiểu nhầm lời nói của người già.
Chăm sóc người cao tuổi không đơn giản là thực hành trách nhiệm của bổn phận làm con. Bởi sự lẩn thẩn, khó tính khó nết ở người già đôi khi gây nên cảm xúc khó chịu, bốc hỏa. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng nói đến việc cần có khoảng cách nghỉ ngơi cho người chăm sóc để tránh bị stress.
"Hay dỗi lắm nhưng mình phải tìm đọc để hiểu về tâm sinh lý người già, mình phải hoan hỉ, không để tâm" - chị Thủy đã học cách chung sống với người già như vậy.
Người ta vẫn nói rằng, đời người có 2 lần làm em bé, đó là khi còn nhỏ và khi già đi. Khi có cha mẹ già, nghĩa là chúng ta phải quen với một em bé lúc nhớ lúc quên, kỹ tính kỹ nết, có thể hay cáu bẳn, nói nhiều, thích tích trữ đầy đồ đạc trong nhà và thậm chí có mùi cơ thể. Suy cho cùng đó là quy luật tự nhiên của đời người, như hạt cây nảy mầm, lá xanh tốt rồi vàng vọt và héo rũ… Sống cùng với người cao tuổi cần hơn cả sự bao dung mà đó là tính nhẫn nại.
Theo số liệu điều tra của Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển công bố vào năm 2020, thực hiện ở hơn 6.000 người cao tuổi trên toàn quốc, có khoảng 19,4% người cao tuổi sống riêng hai vợ chồng; 8,6% người cao tuổi sống một mình; 61,3% đang sống với ít nhất một người con ruột.
Trích dẫn số liệu Điều tra quốc gia về người cao tuổi (2020) cho thấy, trong số những người cao tuổi sống riêng một mình, có tới 56,7% có con cái sống trong cùng xã/phường và 43,3% không có con cái sống trong cùng xã/phường. Như vậy, việc con cái ở gần hay ở xa không phải là lý do người cao tuổi sống riêng. Lý do chính ở đây là người cao tuổi muốn được tự do trong lựa chọn và sắp xếp nơi ở của mình.
Trong xã hội nước ta, được sống cùng, được chăm sóc cha mẹ là hạnh phúc của phận làm con. Bên cạnh đó, bàn về chủ đề này cũng là để thế hệ trẻ hơn hiểu và chia sẻ với người già, từ đó chuẩn bị tâm lý, hành trang khi cha mẹ mình già đi./.
Mẹo sống chung:
-Lắng nghe cha mẹ một cách thiện chí: Người cao tuổi tuy nóng tính, nói nhiều nhưng rất cần được lắng nghe. Chỉ cần có người tự nguyện nghe họ nói chuyện, tâm sự đã giúp họ giải tỏa lo lắng, sợ hãi rất hiệu quả. Bạn cũng nên đặt mình dưới góc nhìn của họ để hiểu họ hơn, tránh việc bất đồng quan điểm dẫn đến mâu thuẫn.
-Để người cao tuổi phát huy vai trò của mình trong gia đình: Nếu muốn nắm bắt được các đặc điểm tâm lý của người cao tuổi, người nhà nên để họ được thoải mái sống đúng với độ tuổi và mong muốn của họ, hãy để họ được tự phục vụ, giúp đỡ việc nhà,… thay vì chỉ nghỉ ngơi.
-Nhẫn nại và cởi mở hơn: Chìa khóa để giao tiếp với người cao tuổi là nhẫn nại và cởi mở hơn với họ. Tâm lý của người cao tuổi chịu ảnh hưởng bởi sức khỏe, tác dụng phụ của thuốc, những trải nghiệm trong quá khứ,… nên người nhà cần có lòng cảm thông cho họ, không nên áp đặt suy nghĩ của mình cho họ.
(Tham khảo từ nhiều nguồn)