Nghe bài viết tại đây:
Ở nước ta, căn cứ Luật Người cao tuổi 2009 quy định người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Như vậy, ở mốc này nhiều người xem là chặng đầu tiên của hành trình cứ chục năm sẽ kỷ niệm mừng thọ một lần.
Trong một bài báo được công bố trên tạp chí Psychology and Aging, các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ và Đức đã phân tích dữ liệu từ cuộc Khảo sát về tuổi già của Đức. Với hơn 14.000 người sinh từ năm 1911 đến năm 1974, nhóm nghiên cứu đã hỏi: "Ở độ tuổi nào thì được coi là già?". Điều thú vị là những người ở độ tuổi giữa 60 tin rằng tuổi già bắt đầu ở khoảng 75 tuổi, điều này cho các nhà nghiên cứu thấy rằng, con người luôn có xu hướng đẩy lùi giới hạn tuổi tác khi tiến gần đến độ tuổi đó.
Ông Nguyễn Văn Hòa ở quận Đống Đa, Hà Nội vừa bước sang tuổi 69. Với ông, còn đi làm có thu nhập đó là hạnh phúc. Ông Hòa nghĩ về tuổi tác cũng nhẹ nhõm hơn.
"Bây giờ tôi đi làm bảo vệ thật nhưng có tí đồng lương, không muốn phiền phức các con, ông bà tự nuôi nhau. Còn tí sức khỏe nào mình cứ làm thôi. Thêm một mùa xuân là thêm một tuổi" - ông Hòa chia sẻ.
Nhiều người cho rằng, khi kinh tế ổn định thì tuổi tác chỉ là con số. Còn với người kinh tế eo hẹp, chặng đường chạy đua thời gian ở ngưỡng tuổi già là bộn bề nỗi lo: bệnh tật, con cái, tài chính, thuốc men và ngay cả cái chết.
Không những thế đó còn là tâm lý phụ thuộc vào con cái. Bà Hà Thị Thanh ở Hà Nam là giáo chức về hưu. Dẫu có lương hưu, có tài sản tích lũy nhưng cơn đột quỵ cách đây 2 năm khiến bà phải ngồi một chỗ cũng làm bà không còn thoải mái ngay trong chính ngôi nhà của mình.
"Khi có tuổi, sợ nhất là mình có bệnh. Cuộc sống ai cũng quý, ai cũng muốn sống, không muốn chết" - bà Thanh tâm sự ai cũng muốn có thêm thời gian sống với con cháu.
“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân đã già” (Xuân Diệu)
Thời gian là sự biến đổi không ngừng. Về hình thức, đó có thể là làn da từ chỗ căng bóng rồi sạm dần và nhăn nheo. Về sức khỏe đó là những bước đi cứ thế chậm dần, rồi ta sẽ phải vịn vào tường khi leo cầu thang.
Dẫu lạc quan đến chừng nào thì ông Hòa cũng cảm nhận cơ thể mình đang lão hóa mỗi ngày. Công việc bảo vệ trông xe không vất vả nhưng phải thức khuya.
"Già hơn, yếu hơn nhưng còn tí sức nào mình cũng cố làm" - Mỗi lần di chuyển xe ông Hòa phải dùng sức nhiều hơn so với trước. Phải chăng đó là quy luật thời gian mà ai cũng chấp nhận.
Có hai quan niệm thông thường về tuổi già: Tuổi già là đánh dấu sự minh triết và đáng kính của một con người. Ông bà ta thường nói “khôn đâu tới trẻ”, chính là sự ghi nhận sự khôn ngoan, kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu về công việc và cuộc sống nhân sinh ở người đầu bạc. Những người sống đức độ và có tư cách sẽ được người đời kính phục, con cháu ngưỡng mộ.
Quan niệm thứ hai là tuổi già lẩn thẩn, xấu tính. Sự già nua khiến tư tưởng, tính cách, tâm lý bị biến đổi. Có người bị đóng khung trong tư tưởng và lối sống cũ. Có lẽ hơi buồn nhưng là sự thật bởi có người cao tuổi sống thiếu đức độ, còn vi phạm pháp luật nên nhiều người trẻ đã phải viết “không phải người già nào cũng đáng kính”. Vậy nên ông Nguyễn Xuân Thảo ở Nam Định cho rằng, càng có tuổi càng nên sống khiêm tốn và chân thành.
"Từ khi về hưu tôi chỉ có một việc là tập trung vào chính mình. Lắng nghe cơ thể mình cần gì. Còn lại không quan tâm chuyện ngày mai và chuyện của thiên hạ" - ông Thảo bộc bạch.
Ngẫm cho cùng, tuổi tác là con số để mách bảo chúng ta những hữu hạn của thời gian. Càng có tuổi, càng có thời gian nhìn lại chặng đường ta đã đi, nhớ về những người đã gặp, những mối quan hệ cả tốt đẹp lẫn sân si. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, gia đạo an ổn chính là thứ đẹp nhất của tuổi tác.
"Tuổi tôi chẳng ham muốn cuộc sống bon chen. Chỉ biết trong gia đình lo con cái trưởng thành là mãn nguyện rồi. Vợ chăm sóc tốt thì chồng yên tâm đi làm. Rất yêu đời, tối đi làm về tôi vẫn hát karaoke, cả hai vợ chồng, vui lắm…"
Trong một nghiên cứu của phương Tây cũng chỉ ra người già thường “ngoan hơn”. Ngoan ở đây vừa có ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Đó là họ sống lặng lẽ, khiêm nhường hơn hoặc là vì họ tự ti hơn, bị cho là không còn hữu ích…
Ở nước ta, người cao tuổi được kính trọng, bảo vệ và chăm sóc. Người cao tuổi luôn được xác định là “vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam”. Vậy nên ngẫm về tuổi tác trong mỗi dịp xuân sang, các cụ hãy xem là một dòng suy nghĩ chậm rãi, thấu đáo và nhẹ nhõm thay vì lo âu.