Giữa vùng đất Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình), nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn, một mô hình nông nghiệp đặc biệt đang được vun trồng từ chính bàn tay của những người cao tuổi. Những người tưởng chừng chỉ còn sống an nhàn tuổi già nhưng họ đã làm nên điều khác biệt.
Họ không chỉ gìn giữ tri thức bản địa mà còn chủ động hòa mình vào công cuộc thích ứng với biến đổi khí hậu bằng mô hình “Vườn tre và than sinh học” triển khai từ tháng 3/2025.
Mô hình “Vườn tre và than sinh học” nằm trong khuôn khổ Dự án GIS998 do Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam (HAI) phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh Hòa Bình thực hiện. Tại xóm Sèo, xã Cao Sơn, bà Nguyễn Thị Tính và 3 hội viên khác được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua giống tre Lục Trúc, làm đất, ủ phân và canh tác thử nghiệm.

Bà Tính chia sẻ: “Tôi cùng 3 người nữa được hỗ trợ 10 triệu, chia đều để mua cây giống và công chăm sóc. Trồng tre đang mọc tốt. Tôi còn trồng ngô với 3 hình thức: dùng phân hóa học, kết hợp với 10% than sinh học và 20% than sinh học. Ngô thu hoạch từ phương pháp sử dụng 20% than sinh học được đánh giá ngon, ngọt hơn”.

Theo bà Đinh Hồng Chung, Quản lý chương trình HAI tại Việt Nam, Dự án khuyến khích người cao tuổi tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất than sinh học, một giải pháp hữu hiệu để xử lý rác hữu cơ, cải tạo đất, trung hòa pH, giảm phát thải khí nhà kính mà không gây hại sức khỏe như phân bón hóa học.
“Sau khi được tập huấn, các cụ tham gia mô hình, tự làm than bằng thùng phi và đào hố ngay vườn nhà. Than sinh học dùng để ủ phân chuồng và trồng cây, giúp đất tơi xốp hơn, sạch hơn”, bà Chung cho biết.
Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HAI Việt Nam cho rằng, người cao tuổi vẫn còn sức khỏe, có kinh nghiệm quý giá và rất sẵn sàng tham gia, đóng góp.

Bà Thủy khẳng định, giải pháp chống biến đổi khí hậu phải gắn với thực tế già hóa dân số. Người cao tuổi không nên bị xem là gánh nặng mà cần phát huy vai trò của họ trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khởi nghiệp nông nghiệp.
Không chỉ là công cụ cải tạo đất, sản xuất than sinh học còn giúp người cao tuổi có thêm sinh kế linh hoạt, phi chính thức, phù hợp với sức khỏe và thời gian của họ. Đặc biệt, mô hình còn hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu xanh cho địa phương.
Biến đổi khí hậu không chỉ là câu chuyện ở đâu đó xa xôi mà đang hiện hữu ngay trong đời sống nông thôn, miền núi. "Trong khuôn khổ Dự án GIS998, mô hình Vườn tre và than sinh học tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đang mở ra một hướng đi mới cho người cao tuổi thích ứng với khí hậu, cải thiện sinh kế", ông Phạm Xuân Dũng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cao Sơn khẳng định.

Mô hình Vườn tre và than sinh học ở Cao Sơn là một minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố môi trường và yếu tố con người. Đặc biệt, việc lồng ghép vai trò của người cao tuổi vào mô hình phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế, sinh thái mà còn khẳng định: người cao tuổi khi được tin tưởng và trao cơ hội sẽ trở thành nhân tố chủ lực trong những chuyển đổi tích cực tại cộng đồng./.