Theo báo cáo nghiên cứu về sức khỏe não bộ toàn cầu của Hội đồng Toàn cầu về Sức khỏe não bộ, việc thường xuyên kích thích não bộ bằng các hoạt động xã hội như tham gia các công tác xã hội hoặc các trò chơi đòi hỏi khả năng tư duy, đọc sách, chơi cờ,… giúp người lớn tuổi cải thiện sức khỏe não bộ và bảo vệ họ chống lại chứng sa sút trí tuệ. Các nhà khoa học cho biết, tuổi tác không phải là rào cản để cải thiện sức khỏe của não bộ, việc kích thích não hoạt động thường xuyên luôn mang lại những tác động tích cực lên não bộ ở bất cứ độ tuổi nào. Chính vì vậy, những hoạt động giao lưu, trao đổi của người cao tuổi sẽ giúp họ sống vui khỏe như chia sẻ của bà Trần Thị Hoan, ở Thanh Xuân, Hà Nội. Bà Hoan cho biết, tham gia sinh hoạt với người cao tuổi, được trao đổi với bạn già, bà cảm thấy trẻ và khỏe ra. Hơn nữa, thỉnh thoảng đi giao lưu các chi hội người cao tuổi khác cũng rất vui. Điều đó, giúp bà thấy tinh thần sảng khoái, tích cực tham gia.

Việc người cao tuổi tích cực cùng nhau tham gia các phong trào thi đua, sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đã phát huy được vai trò gương mẫu trong cuộc sống. Tham gia các hoạt động xã hội không chỉ giúp người cao tuổi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa mà còn giúp họ sống vui, sống khỏe. Khi đó, người cao tuổi có cơ hội phát huy và đóng góp kiến thức của mình cho xã hội, nêu gương cho con cháu. Không những thế, khi giao lưu cùng bạn già hay tham gia các công việc xã hội phù hợp sẽ giúp họ vơi bớt cô đơn, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực… Ông Trần Xuân Quá, phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, những hoạt động xã hội hay giao lưu giúp người cao tuổi phát huy được trí tuệ và nâng cao sức khỏe, giúp cho những người như ông luôn cảm thấy vui vẻ và sống có ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Nhiều người quan niệm, khi về già, người cao tuổi chỉ nên ở trong nhà, tập trung hỗ trợ con cái. Thậm chí, số người còn mặc định bố mẹ nghỉ hưu, ở nhà nên dồn các công việc như trông con giữ cháu, làm việc nhà… cho họ. Trong đó, có nhiều người cao tuổi có trình độ, kinh nghiệm và uy tín nhưng chỉ quanh quẩn trong nhà. Vô tình, Điều đó đã khiến người cao tuổi ngày càng ít bạn bè, họ không có người để chia sẻ, nên cảm giác cô đơn, dễ suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng tinh thần… Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, người cao tuổi cần sống vui, sống khỏe, sống có ích. Cho nên, nếu chỉ tập trung vào việc hỗ trợ con cái, trông nom các cháu, làm việc nhà… thì vô hình chung đã hạn chế rất nhiều quyền của người cao tuổi.

Cuộc sống của người cao tuổi rất bình lặng nên sự thay đổi tâm lý, cách sinh hoạt đã khiến không ít cụ cao tuổi rơi vào tình trạng trầm cảm, mất ngủ, hay cáu gắt. Chính vì thế, những câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ ca hát hay câu lạc bộ thơ ở các phường, xã đã trở thành những địa chỉ giúp cho các cụ giao lưu, giảm căng thẳng trong cuộc sống. Bà Trần Thu Hòa, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, việc tham gia các câu lạc bộ như thế giúp bà giảm căng thẳng, vui vẻ hơn trong cuộc sống. “Từ khi tôi vào CLB của các cụ thấy người nó khỏe lên và tinh thần nó lại thoải mái, thấy là vui chơi các chương trình này rất bổ ích.”, bà Hòa cho biết.

Khi tham gia hoạt động xã hội, người cao tuổi nhận được rất nhiều lợi ích tốt cho đời sống tinh thần cũng như sức khỏe. Họ thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn. Người cao tuổi khi tham gia vào các công việc phù hợp để phát huy khả năng thì Nhà nước, xã hội cũng như bản thân người cao tuổi đều có lợi. Người cao tuổi sẽ được sống vui, sống khỏe, sống có ích và tiếp tục phát huy, đóng góp kiến thức, kinh nghiệm của họ cho xã hội, đất nước./.