Mời nghe bài viết tại đây:
“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, giỗ Tổ Hùng Vương là dịp lễ ý nghĩa bởi dân tộc Việt Nam đều được sinh ra từ bọc trăm trứng, có chung dòng máu con cháu vua Hùng. Vì thế, những ngày này dù bận rộn đến đâu, xa xôi đến mấy, bà Đặng Thị Điền ở Hưng Yên cũng muốn trở về. “Dù đường sá xa xôi, nhưng năm nay cũng cố gắng về thăm đền Hùng, tri ân báo hiếu các vua Hùng, thắp hương mong một năm sức khỏe cho gia đình, bản thân, cho xã tắc được bình an, mưa thuận gió hòa, mọi điều đều tươi tốt…”, bà Điền chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất cội nguồn dân tộc, nơi quê cha đất Tổ, nên năm nào cũng vậy cứ vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm, gia đình bà Nguyễn Thị Huế lại cố gắng thu xếp thời gian lên đền Hùng dâng hương. Năm nay, tuy sức khỏe có phần hạn chế nhưng bà vẫn cố gắng đi và luôn căn dặn con cháu phải trân trọng và tiếp nối truyền thống này. Bà cho biết: gia đình có truyền thống cứ vào ngày 10/3 hàng năm là thu xếp về đền Hùng để dâng hương cũng là dịp để nhắc nhở con cháu nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Không có điều kiện để đến tận nơi dâng hương tưởng nhớ vua Hùng nên trong ngày giỗ Tổ bà Trần Thị Lan ở Đống Đa, Hà Nội lại cùng con cháu làm mâm cơm tưởng nhớ tổ tiên tại gia đình. Từ sáng sớm, bà đã cùng con cháu đi chợ chọn mua những món ăn đặc trưng của dân tộc như: bánh chưng, bánh dày. Mỗi mâm cỗ cúng, mỗi nén hương thắp lên đều chứa đựng tấm lòng thành kính đối với các Vị Vua Hùng, những người đã có công dựng nước.
Lễ giỗ tổ là một truyền thống tốt đẹp, góp phần giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Đây không chỉ là ngày lễ truyền thống mà còn là dịp để nhìn lại chặng đường dài của dân tộc, để cảm nhận sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, cùng nhắc nhở nhau về tình yêu nước, về trách nhiệm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Ông Lê Hữu Khôi, một người từng tham gia chiến tranh, cho biết: "Lễ Giỗ Tổ là dịp để chúng tôi tưởng nhớ công lao dựng nước của tổ tiên. Dù tuổi đã cao, tôi vẫn không thể quên được những năm tháng ấy, những ngày cầm súng bảo vệ đất nước. Tất cả chúng ta, dù ở đâu, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng”.

Với kinh nghiệm sống phong phú và hiểu biết sâu sắc về lịch sử dân tộc, người cao tuổi không chỉ hướng về cội nguồn qua các nghi lễ truyền thống mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, giáo dục lịch sử dân tộc. Em Nguyễn Lan Hương – học sinh trường THCS Phan Chu Trinh - Hà Nội cho rằng, những câu chuyện về vua Hùng, về những trang sử oai hùng của dân tộc được ông bà kể lại đã giúp em hiểu thêm những giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc.
Người cao tuổi, với tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt, đã và đang tiếp nối sứ mệnh thiêng liêng của việc bảo tồn cội nguồn dân tộc, giúp thế hệ trẻ luôn nhớ về quá khứ oai hùng của dân tộc mình./.