Bão số 3 đã đi qua, mưa đã ngớt, nước trên những con sông, con suối và vùng trũng đã rút. Tuy nhiên hậu quả mà nó để lại vẫn khiến người dân hết sức bàng hoàng và đau xót. Nhớ lại thời điểm nước tràn qua đoạn đê bị vỡ, nhanh chóng nhấn chìm hơn 70 mái nhà trong tổng số 120 hộ của thôn Phúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, bà Nguyễn Thị Bình vẫn bồi hồi. Bà Bình cho biết, dù tuổi cao nhưng với tinh thần “tuổi cao gương sáng” bà vẫn tham gia phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi gà. Không chỉ đem lại niềm vui trong công việc, trang trại gà còn từng là nguồn sống của cặp vợ chồng già. Thế nhưng, chỉ sau một đêm, trang trại đã trở thành đống đổ nát. “Nhà tôi có hai vợ chồng già. Ông năm nay bước sang tuổi 73. Còn tôi 69 tuổi. Khi đê vỡ, hai ông bà chỉ kịp chạy đến nơi tránh trú với bộ quần áo trên người. Trang trại gà có hơn 2.000 con gà chết hết”, bà Bình than thở.

Từng là hộ thuộc diện “có bát ăn bát để”, giờ đây bà Bình trắng tay và còn gánh thêm một khoản nợ. Để ổn định cuộc sống trước mắt, những ngày qua, bà không ngại lên trụ sở UBND xã Việt Thành để nhận gạo cứu trợ từ các đoàn thiện nguyện.

Bà Đinh Thị Hoàn, ở thôn Phú Thọ, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cũng chung cảnh ngộ. Nước lũ dâng cao đúng thời điểm người bạn đời vừa từ bệnh viện trở về, vết thương sau ca phẫu thuật còn chưa lành. Ưu tiên hàng đầu của bà và các con là đảm bảo an toàn tính mạng cho các thành viên trong gia đình. Vậy nên, toàn bộ lương thực, thực phẩm cũng như tài sản trong gia đình đều bị nước nhấn chìm. Hoa màu ngoài đồng cũng bị lũ tàn phá nên khó khăn, thiếu thốn là điều khó tránh khỏi. “Nhà làm nông nghiệp mà giờ cây cối, vườn tược hỏng hết rồi, gạo ăn hiện cũng chưa có”, bà Hoàn chia sẻ.

Không chỉ bị tổn thất nặng nề về người nhưng các tỉnh đồng bằng phía Bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương hay Hà Nội cũng bị bão số 3 và hoàn lưu bão tàn phá, làm hư hại nghiêm trọng về tài sản, hoa màu… Như tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội, bà Bùi Minh Thuần vẫn chưa hết xót xa khi nhìn ra vườn quất xơ xác vì bị nước nhấn chìm, chết úng. Bà cho biết sống gắn bó cả đời với nghề trồng quất. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đều dồn hết vào khu vườn. Thu nhập để nuôi sống cả gia đình cũng từ đó mà ra. Thiệt hại làm mất đi nguồn sống nên giờ đây tâm trạng bà luôn nặng trĩu nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Dân chúng tôi ở đây quanh năm trông chờ vào cây quất. Khi bão về, cây đổ ngổn ngang, vừa đi dựng lại xong thì nước dâng lên nhấn chím, hỏng hết. Bây giờ chúng tôi thực sự khó khăn”, bà Thuần chua xót.

Sơ tán kịp thời nên người dân ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội cũng không bị thiệt hại lớn về người. Tuy nhiên, hoa màu của người dân bị tàn phá nặng nề. Gia đình bà Nguyễn Thị Khanh là một trong hàng trăm hộ bị thiệt hại. Bà chia sẻ dù biết rằng đó là thiên tai và rất nhiều hộ trong xã đều chung cảnh ngộ nhưng vẫn không dễ nguôi ngoai khi phải chứng kiến tài sản, công sức của mình bị nước lũ nhấn chìm. “Cả vườn chuối, có bao nhiêu gãy đổ hết. Đào, quất cũng bị xóa sổ, mất trắng, đau xót lắm vì đó là công sức của bao nhiêu năm”, bà Khanh dãi bày.

Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng…, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Là đối tượng dễ bị tổn thương, người cao tuổi cũng chịu thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn từ cơn bão lịch sử này. Rất mong đảng ủy, chính quyền và hội người cao tuổi các cấp có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời để người cao tuổi sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nghe bài viết dưới đây: