Theo BS Hà Ngọc Mạnh – Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Việt – Bỉ, trong số bệnh nhân hiếm muộn đến khám và điều trị tại Bệnh viện, có khoảng 40% là vô sinh nam giới. 10% trong nhóm này không có tinh trùng. Y học hiện đại có thêm nhiều kỹ thuật tìm tinh trùng trong tinh hoàn, hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên vẫn còn một nhóm nhỏ các anh không có cách nào tìm thấy tinh trùng. Đối với trường hợp này, các bác sĩ chỉ định đi xin tinh trùng.
Năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành nghị định 10/2015/NĐ-CP Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó, có những quy định cho phép việc cho – nhận tinh trùng. Theo đó, người muốn hiến tinh trùng vào Ngân hàng tinh trùng cần phải trải qua quá trình khám sức khỏe gắt gao về bệnh lý di truyền, lây qua đường tình dục, tiền sử gia đình, tiền sử sinh sản (người hiến phải là người đã từng có con). Thứ hai, mẫu tinh trùng đó phải được lưu trữ tối thiểu 6 tháng trước khi dùng. 6 tháng sau, người hiến sẽ được làm lại xét nghiệm khẳng định một lần nữa để chắc chắn rằng không mắc bệnh lý di truyền như HIV. Nếu các xét nghiệm cho kết quả tốt thì tinh trùng mới được cho bệnh nhân. Nghị định cũng quy định, một người chỉ có thể đi hiến tinh trùng một lần duy nhất tại một trung tâm y tế nhất định, các thông tin về người đi hiến đều phải giữ bí mật.
Những năm gần đây, số người có nhu cầu xin tinh trùng ngày càng nhiều nhưng không phải ai cũng may mắn có được. Lý do là vì số người đi hiến tinh trùng ít nên Ngân hàng tinh trùng yêu cầu người đi xin phải có mẫu tinh trùng khác đổi lấy tinh trùng của Ngân hàng. Đây là một thách thức bởi người đi xin tinh trùng thường không có nguồn tinh trùng để đổi.
Nhiều người có tâm lý lo ngại rằng, nếu có con từ việc xin tinh trùng thì có khả năng sau này, con sẽ lấy phải người cận huyết thống. Theo BS Hà Ngọc Mạnh, rủi ro này có thể xảy ra vì trên thế giới, có dữ liệu chung về tinh trùng được gửi. Bất cứ cơ sở y tế nào muốn sử dụng đều có thể tra cứu được thông tin đầy đủ về số lần hiến tinh trùng, danh tính và sức khỏe của người hiến… Nhưng ở nước ta, hiện nay chưa có dữ liệu chung về tinh trùng nên khó kiểm soát được một người có thể đi hiến ở nhiều trung tâm, nguy cơ xảy ra tình trạng một mẫu tinh trùng được sử dụng cho nhiều người. Rủi ro sẽ nhiều hơn khi người cho thường có tâm lý e ngại đối với các thủ tục pháp lý, sợ lộ danh tính nên nhiều người đã đi làm “chui” ở bên ngoài. Nghĩa là người cho và người nhận tự thỏa thuận và quan hệ trực tiếp với nhau. “Hệ lụy hay gặp nhất là bệnh lây truyền qua đường tình dục, thứ hai là không thể tầm soát được vấn đề của người hiến tinh trùng là họ có bệnh gì liên quan đến di truyền, tiền sử gia đình…, thứ ba là khi xin tinh trùng đích danh như thế, nguy cơ sau này có thể xảy ra tranh chấp em bé giữa bố và mẹ” – BS Hà Ngọc Mạnh cho biết.
Để tránh xảy ra việc kết hôn cận huyết thống, trước khi quyết định tổ chức đám cưới, các cặp đôi nên đi kiểm tra sức khỏe, làm xét nghiệm gen. Nếu vì lý do bất đắc dĩ bắt buộc phải đi xin trùng, người xin tinh trùng nên đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản có uy tín để bảo đảm tinh trùng đó được sàng lọc tất cả các yếu tố liên quan đến bệnh lý di truyền, bệnh truyền nhiễm, khả năng sinh sản, đảm bảo đứa trẻ được sinh ra từ những tinh trùng khỏe mạnh và quan trọng hơn là có thể bảo mật tất cả thông tin về người cha.