Tại Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. 37 năm đồng hành phát triển cùng “tam nông”, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank luôn nỗ lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp Việt Nam văn minh, hiện đại, lấy nông nghiệp làm gốc và là điểm tựa cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ Agribank, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho bà con nông dân. Tại thời điểm 25/3/2025, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1.746 triệu tỷ đồng và đã có trên 3 triệu khách hàng (bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng pháp nhân) đã tiếp cận vốn vay của Agribank.

Phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng cũng phải chú trọng đến yếu tố môi trường. Và tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: Trong thời gian vừa qua, để thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo nhằm triển khai các biện pháp chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, kinh tế tuần hoàn, tăng diện tích trồng rừng, hệ sinh thái hấp thụ carbon,…

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần huy động nguồn lực lên tới 144 tỷ USD, điều này đặt ra vấn đề phải tìm cách khơi thông các dòng vốn xanh... Là một trong những ngân hàng lớn của Việt Nam, Agribank nhận thấy cần phải có trách nhiệm trong việc thúc đẩy tài chính xanh, ngân hàng xanh.

Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng tài chính xanh, tài chính khí hậu góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đó là: Tích cực tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các tổ chức tài chính tài trợ như: (i) Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; (ii) Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; (iii) Quản lý rủi ro thiên tai; (iv) Hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; (v) Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; (vi) Điện gió; (vii) đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên…

Về kết quả Tín dụng xanh: Dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh của Agribank như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh,… cũng tăng trưởng ổn định qua các năm. Trong năm 2025, Agribank vẫn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh đặc biệt tập trung vào nông, lâm nghiệp và năng lượng tái tạo. Tính đến hết 31/12/2024, kết quả cho vay đối với tín dụng xanh với tổng dư nợ 28.774 đồng, trong đó:

- Phát triển lâm nghiệp bền vững: dư nợ đạt 6.904 tỷ (chiếm tỷ trọng 23,9%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh).

- Lĩnh vực nông nghiệp xanh: dư nợ đạt 6.462 tỷ (chiếm tỷ trọng 22,3%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh).

- Lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: dư nợ đạt 15.408 tỷ (chiếm tỷ trọng 53,2%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh.

Các dự án này hiện đang triển khai rất hiệu quả và mang lại lợi ích về môi trường và xã hội cũng như thúc đẩy kinh tế tại địa phương.

Đặc biệt, Agribank là ngân hàng được giao thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ.

* Agribank thực hiện cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định 813/QĐ-NHNN. Trong đó đối tượng tham gia chương trình bao gồm cả pháp nhân và cá nhân, áp dụng cho các nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Quy mô chương trình tối thiểu 50.000 tỷ đồng.

Tùy thuộc vào số khâu khách hàng tham gia vào chuỗi cung ứng (cung ứng vật tư đầu vào - sản xuất - tiêu thụ) sẽ có mức giảm lãi suất tương ứng. Mức giảm từ 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của Agribank.

* Chương trình tín dụng xanh đối với khoa học công nghệ, Quy mô chương trình lên tới 10.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai chương trình đến hết ngày 30/6/2025 hoặc đến khi đạt được quy mô chương trình.

Điều kiện cho vay: Đạt xếp hạng tín dụng theo quy định nội bộ của Agribank; Không có nợ nhóm 2, nợ xấu, xử lý rủi ro, nợ bán VAMC, DATC tại Agribank và các TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm thẩm định, quyết định cho vay, trừ trường hợp thuộc đối tượng chính sách theo quy định của cấp có thẩm quyền được tiếp tục cho vay; Có các giấy chứng nhận/chứng chỉ đạt tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực xanh còn hiệu lực (ví dụ: chứng nhận VIETGAP, ISO 2200, GLOBALGAP,…)

Lãi suất cho vay: thấp hơn tối đa 1,5% so với lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh đối với khoa học công nghệ theo quy định từng thời kỳ.