Với hơn 10 triệu khách hàng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, trong thời gian qua, Agribank đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách Tín dụng Agribank cho biết, đối với chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ, tính đến hết tháng 6/2023, Agribank đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho gần 900 khách hàng với hơn 7.000 giải ngân, 1.081 hợp đồng với doanh số cho vay gần 11.000 tỷ đồng, dư nợ đến 30/6/2023 là 5.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là gần 60 tỷ đồng.
Với việc hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022, Agribank đã quyết liệt triển khai đến từng chi nhánh, giải đáp vướng mắc trong quá trình thực hiện, thông báo hạn mức hỗ trợ cho chi nhánh loại I, cũng như chấn chỉnh công tác thực hiện hỗ trợ lãi suất. 12 văn bản chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện Nghị định 31 được ban hành. Ngoài ra, Agribank còn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của khách hàng, phối hợp để xử lý, giải đáp các phản ánh, kiến nghị của khách hàng.
Và kể từ ngày 03/4/2023, Agribank bắt đầu triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố. Từ khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực bất động sản theo Nghị quyết 33/NQ-CP tháng 4/2023 đến nay, Agribank đã phê duyệt 01 Dự án Khu Nhà ở xã hội tại Quảng Ninh với hạn mức cấp tín dụng là 950 tỷ đồng (trong đó hạn mức cho vay là 750 tỷ đồng). Ngoài ra, Agribank đang tiếp cận một số dự án nhà ở xã hội như: Khu nhà ở xã hội phường Long Trường, TP. Thủ Đức (do Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư); Khu nhà ở xã hội tại khu CC-09 thuộc Khu Đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (do Công ty IEC làm chủ đầu tư); Dự án NƠXH tại Hà Nam của Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD); Dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (do Công ty CP Đầu tư nhà An Bình làm chủ đầu tư), Dự án Xây nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu dự phòng Tây Bắc, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai (do Liên doanh công CP BĐS Minh Điền VITAL và Cty CP BVB làm chủ đầu tư – CN Lào Cai II); Khu nhà ở xã hội, siêu thị bán lẻ hàng điện máy và đồ gia dụng, tạp hóa tại thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ (do Công ty CP đầu tư bất động sản và thương mại Kinh Bắc làm chủ đầu tư – CN Bắc Ninh II)...
Về chính sách cơ cấu lại nợ thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ được cơ cấu bao gồm cả gốc và lãi là 18.201 tỷ đồng (gốc 16.900 tỷ đồng và lãi 1.301 tỷ đồng) với hơn 2000 khách hàng. Trong đó, dư nợ cơ cấu cho khách hàng cá nhân là 2.034 tỷ đồng với 1.763 khách hàng; dư nợ cơ cấu cho khách hàng doanh nghiệp là 16.168 tỷ đồng với 474 khách hàng.
Mời quý vị nghe ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng, Agribank tư vấn, giải đáp cụ thể các thắc mắc liên quan tới chính sách hỗ trợ khách hàng của Agribank tại đây: