Các chính sách hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ của Chính phủ trong suốt thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả, là "liều thuốc trợ lực" kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp bước đầu trụ vững trước những tác động của đại dịch covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ khác, đặc biệt cần tháo gỡ về thể chế, đơn giản thủ tục, đặc biệt là các chính sách bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Tiếp cận chính sách vẫn là rào cản với nhiều doanh nghiệp

Ra đời năm 1993, tiền thân là doanh nghiệp du lịch Nhà nước cùng tên, sau gần 30 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy vọng hiện là một trong những phòng vé máy bay lớn nhất Việt Nam, là đại lý cấp 1 của nhiều hãng hàng không trên thế giới. Tuy nhiên giai đoạn vừa qua, cũng là một chặng đường đầy thử thách đối với Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy vọng. Bà Phan Hồng Châu, Giám đốc công ty chia sẻ: Để có thể vượt qua “cơn bão” và tồn tại, bà phải nỗ lực gấp 200 lần và xoay đủ cách. Sự nỗ lực vượt nhiều lần ấy vì chính doanh nghiệp nhưng ẩn sâu hơn, bà biết, sau lưng mình còn là cuộc sống của hàng nghìn lao động.

“Phải bán nhà, bán tài sản của cá nhân nhưng tôi cũng sẽ cố gắng duy trì đến cùng”, nữ doanh nhân Phan Hồng Châu trải lòng.

Nhìn nhận và đánh giá về quy mô cũng như hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian vừa qua, dẫu không phủ nhận sự kịp thời cũng như tính nhân văn trong việc chia sẻ những khó khăn, hoạn nạn với doanh nghiệp, tuy nhiên trong quá trình triển khai, từ thực tế của một doanh nghiệp bà Châu nhận thấy còn khá nhiều bất cập.

“Chúng tôi đều cập nhật rất kịp thời các chính sách thế nhưng trên thực tế triển khai rất chậm. Có quá nhiều quy định và đòi hỏi nhưng thủ tục, giấy tờ mà nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Đến thời điểm này cả doanh nghiệp lẫn nhân viên của chúng tôi chưa nhận được bất cứ một sự trợ giúp nào từ Chính phủ và Nhà nước”, bà Châu khẳng định.

Không chỉ đối với Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy vọng, trên thực tế, cho đến thời điểm này, có khá nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, không dễ để tiếp cận được với các gói hỗ trợ vốn của Chính phủ.

Điển hình như gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, được đánh giá là một cuộc cách mạng về đơn giản hóa thủ tục, tuy nhiên cho đến thời điểm này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đủ điều kiện để thụ hưởng chính sách này.

Trước hết theo Nghị quyết 68 để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/3/2022.

Bên cạnh đó, người lao động phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, doanh nghiệp không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời, phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn và có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh... Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp đều vướng vào điều kiện có nợ xấu tại tổ chức tín dụng hoặc chưa quyết toán thuế năm 2020.

Nhìn nhận về những hạn chế sau hơn 2 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, một số quy định đang cản trở doanh nghiệp vay vốn để trả lương người lao động. “Điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Do đó, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

“Gói hỗ cho doanh nghiệp để trả lương cho người lao động khoảng 7500 tỷ tới nay mới giải ngân được khoảng 4 đến 5% như vậy là quá thấp so với kỳ vọng doanh nghiệp”, Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về doanh nghiệp, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam khẳng định.

Theo TS Lê Duy Bình, nguyên nhân của những bất cập này là do cách thức thiết kế các gói hỗ trợ. Điều này không chỉ khó cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vay mà chính các đơn vị thực hiện giải ngân là Ngân hàng chính sách xã hội cũng không thuận lợi khi triển khai

Cùng chung quan điểm này, Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng thẳng thắn thừa nhận, các gói hỗ trợ thời gian qua đưa ra các tiêu chuẩn quá cao, nên không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về nhiều mặt so với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” bởi vậy, theo TS Thịnh, sự hỗ trợ dòng vốn kịp thời ở thời điểm này với những mức lãi suất “đặc biệt” sẽ là nguồn sinh lực quý giá giúp doanh nghiệp trụ lại với dịch bệnh.

Thiết kế lại chính sách - tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, TS Lê Duy Bình nhiều lần nhấn mạnh: Trong bối cảnh hạn hẹp của ngân sách nhà nước thì các chính sách đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp thời gian vừa qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, sử dụng cao nhất dư địa mà ngân sách cho phép, trong quy định pháp luật cho phép, trong thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên sự hỗ trợ này cũng chỉ mới có ý nghĩa “giảm đau”, hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp, ở mức độ nhất định. Những doanh nghiệp nào tận dụng tốt những khoản hỗ trợ này mới có thể phát huy hiệu quả cho quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh.

Từ những bất cập của các gói hỗ trợ đã có, TS Lê Duy Bình cho rằng, tới đây khi thiết kế mới các chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần phải tính đến đó là nhu cầu của doanh nghiệp và những khó khăn mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải. Người thiết kế chính sách, khi đưa ra các yêu cầu thủ tục, quy định thì phải đứng từ góc độ của doanh nghiệp.

“Cứ giả định mình là người đang tìm kiếm sự hỗ trợ, cần phải tiếp cận các khoản vốn thì sẽ cảm thông và hiểu được cái khó của doanh nghiệp. Chỉ có đứng ở vị trí của họ mới có thể đáp ứng được, mới giải quyết được nút nghẽn thông qua cách thiết kế chính sách, đơn giản hóa thủ tục, quy định đơn giản nhất, dễ dàng thực hiện nhất”. TS Lê Duy Bình nêu quan điểm.

Cũng theo TS Lê Duy Bình, cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp của chính cơ quan có nhiệm vụ thực hiện các gói hỗ trợ tránh sự nhiêu khê, gây khó không đáng có cho doanh nghiệp.

Còn theo TS Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn, các doanh nghiệp phải gánh thêm rất nhiều chi phí phát sinh quá cao trong quá trình duy trì sản xuất, bởi vậy hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng, thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. TS Thịnh cũng nhấn mạnh: Trong mỗi gói hỗ trợ cần có những tiêu chí xác đáng và cụ thể để xác định đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách…

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phan Hồng Châu, giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy vọng cho rằng, để đẩy nhanh các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần tháo gỡ các rào cản về thẩm định, chứng minh thiệt hại do dịch covid-19 gây ra, tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ… Đây đang được xem là nút thắt lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay.

Theo doanh nhân Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, nguồn vốn như dòng máu của doanh nghiệp. Không có máu thì doanh nghiệp khó lòng mà hoạt động. Ông Hồng Anh cho biết, vừa rồi kiến nghị của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam về việc giảm lãi suất đã được Chính phủ chỉ đạo ngay lập tức. Các ngân hàng cũng đã triển khai kịp thời chính sách này.

Mới đây Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đã kiến nghị lên Thủ tướng trong buổi đối thoại của Chính phủ với doanh nghiệp về chính sách giãn nợ cho tất cả các doanh nghiệp đang vay ngân hàng, có thể trong 6 tháng, 9 tháng hay một năm, tùy vào khả năng phục hồi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Đặng Hồng Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh, bất cứ một chính sách hỗ trợ nào cũng vậy, để khả thi và có hiệu quả thì việc cởi trói các thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng hàng đầu. Và điều này chỉ có thể làm được khi người xây dựng chính sách trong tâm thế chia sẻ, cảm thông với mọi khó khăn của doanh nghiệp.

“Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành và kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn cần thêm cách nào đó để truyền đạt được thông điệp này cũng như tâm thế này của Thủ tướng xuống tới các cấp dưới, nhất là với những người trực tiếp triển khai chính sách”, ông Đặng Hồng Anh mong muốn.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị Quyết 105 nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Nghị quyết này đã quan tâm đến rất nhiều vấn đề từ lao động, vốn, sức khỏe của doanh nghiệp cũng như người tham gia sản xuất và kinh doanh, với mục tiêu kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn để giảm thiểu tối đa việc dừng hoạt động, phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2021 có ít nhất khoảng 1 triệu lượt đơn vị được hưởng chính sách tín dụng, được gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế phí, tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước, chính sách hỗ trợ người lao động…

Đặc biệt Nghị quyết số 116 ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo Nghị quyết này, Chính phủ sẽ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022.

Với tâm thế chủ động của doanh nghiệp cùng những chính sách hỗ trợ, giải pháp kịp thời, linh hoạt của Chính phủ, chúng ta có quyền tin tưởng sẽ sớm vượt qua những khó khăn, thử thách của đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống của người dân về trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất, giúp doanh nghiệp giữ vững chuỗi sản xuất, cung ứng, để phát triển kinh tế bền vững.