Năng suất lao động “tụt hậu”

Năng suất lao động được coi là chìa khóa cho sự tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2023 ước chỉ đạt từ gần 3,8% đến gần 4,8%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 5 đến 6%. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Chính vì thế, khi bàn luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng về vấn đề này. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, đáng quan tâm hơn nữa là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm. “Giai đoạn 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,36 đến 4,69%, thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 2016-2020 là hơn 6%”, ông Nghĩa nêu rõ.

Đại biểu Trần Quang Khải (Đoàn Hà Nam) cũng bày tỏ trăn trở khi thấy năng suất lao động Việt Nam chưa có nhiều chuyển biến so với yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và xu hướng kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ. “Theo đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới, năng suất lao động Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% năng suất lao động của người Singapore, bằng 24,4% người Hàn Quốc, bằng 58,9% của người Trung Quốc, bằng 63,9% của người Thái Lan… Đặc biệt, Tổ chức Năng suất châu Á còn đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản khoảng 60 năm, cách Malaysia là 40 năm và Thái Lan là 10 năm”, ông Khải nêu dẫn chứng khi đề cập điều mình lo lắng.

Lời giải nằm ở chất lượng nguồn nhân lực

Trao đổi với phóng viên VOV2 bên hành lang nghị trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng nguyên nhân khiến tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam “tụt hậu” là do chưa được quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp nào mang tính căn cơ. Chỉ cần nhìn vào hệ thống giáo dục, đào tạo cũng có thể nhận ra điều này. “Qua hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tôi thấy chúng ta chưa có tâm thế, chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng xu thế phát triển của xã hội”, ông Hạ chia sẻ.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, để cải thiện năng suất lao động phải có những bước đi mang tính bền vững, trong đó, cần tập trung vào việc đào tạo, nâng cao “chất lượng nguồn nhân lực. “Thị trường lao động sẽ có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề. Trong thời đại công nghệ, một số nghề truyền thống sẽ mất đi, nghề mới sẽ xuất hiện. Vì thế, chúng ta phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nếu không sẽ tụt hậu sâu hơn nữa. Giải pháp căn cơ phải là từ đào tạo, đây là nền móng cho sự thay đổi”, ông Hạ nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Quang Khải (Đoàn Hà Nam) cũng nêu ý kiến phải đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho phát triển kinh tế xã hội, cho cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo ông, Chính phủ, Quốc hội cần có chính sách đột phá, khắc phục những rào cản đối với việc phát triển nhân lực chất lượng cao. Dự báo nước ta cần đào tạo khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn 2025-2030. Điều này cho thấy sự cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào, đặc biệt là khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp.

“Tôi tin rằng Việt Nam sẽ khác biệt và thịnh vượng hơn trong kỷ nguyên số nếu chúng ta kịp thời có những chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Khải bày tỏ.

Ông Khải cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, định hướng kịp thời các chính sách đột phá nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.

Giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 01/11/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục nhận thức rất rõ trách nhiệm cũng như sứ mệnh của mình trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã lên kế hoạch để triển khai đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu như dự báo. Bộ cũng đã ký một hiệp định với Intel và các doanh nghiệp để xác định chính xác nguồn nhân lực cho các nhóm, đồng thời, không đào tạo ào ào tránh dẫn đến dư thừa. Dự kiến, trong năm 2024, ngành giáo dục sẽ tuyển sinh hơn 1.000 nhân lực trong lĩnh vực trực tiếp thiết kế vi mạch, bán dẫn. Các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển khoảng 7.000 nhân lực và sẽ tăng dần số lượng từ 20 đến 30% mỗi năm.

Với kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong thời gian tới sẽ đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, vẫn cần thêm nữa sự quan tâm, đầu tư từ các cấp, các ngành: “Vi mạch, bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nhưng cũng mong có sự đầu tư cao, chứ nếu không thì không thể tay không bắt Chip được”./.