Mấy tháng trở lại đây, thị trường bất động sản toàn quốc bỗng “rung lắc” trong cơn sốt đất trên diện rộng, từ đất nền, đất ở tới biệt thự nghỉ dưỡng đến, đất gần khu công nghiệp, sân bay... đều đua nhau tăng vọt. Đối với đất nền, việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức…đã đẩy giá đất lên cao chóng mặt. Không những đất dự án tăng cao, đất trong làng xã ở các khu vực này cũng đua nhau lên giá, tăng khoảng 20% - 50% so với năm ngoái.

Khảo sát thực tế về đất nền ở khu vực Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội, phóng viên chương trình đã nhờ một người môi giới nhà đất dẫn đi xem các khu đất bao gồm đất dịch vụ và đất đấu giá. Anh H giới thiệu một cách chắc nịch:

"Đây là khu đất đấu giá, dịch vụ mới được đấu giá cách đây hơn năm, còn miếng đất đang đứng đây là 35 triệu/ m2, diện tích là 120 m2, thời điểm trước đấu giá thì nó khoảng 15,17 triệu/m2. Giá của các hộ dân trong vùng nông thôn đang ở cũng lên đến 17 triệu, có chỗ lên đến 25 triệu. Còn nếu như khu vực đất đấu giá, thấp nhất cũng phải lên đến 25 triệu/m2 còn mặt đường là 60 triệu/m2. Đất dịch vụ chưa có sổ cũng phải tầm 50 triệu/ m2 mặt đường. So với tầm hơn năm trước thì giá trị đất tăng gấp đôi, gấp 3 lần, còn không có đất để mà mua."

Gọi điện trao đổi với một người môi giới khác tên Tr, chúng tôi đã giật mình khi chỉ qua có một năm “vật đổi sao rời”, giá đất đã tăng đột biến:

"Đất dịch vụ gần khu CEO bây giờ không ai bán, còn dịch vụ Tuần Châu thôi giá 28 triệu/m2, trước đây lúc mới ra chỉ rơi vào khoảng 10 triệu/m2 hoặc 12tr/m2, lúc đó mới chỉ trên giấy tờ thôi, chưa cắm đất mà đã bán giá đó rồi. Tất cả đất dịch vụ khu đó đều chưa lô nào có sổ cả nhưng giao dịch mua bán vẫn rầm rộ. Sắp tới đây sẽ cấp sổ mà giá cũng rất cao. Còn đất đấu giá ở ngoài mặt đường trước họ đấu thấp nhất 26 triệu/m2 thì giờ bán 45 triệu/m2. Lần đấu giá gần đây nhất đối với các lô mặt trong là 39 triệu/m2, mặt ngoài đường trục chính là 66 triệu/m2. Chuẩn bị tới đây còn hơn 20 lô nữa sẽ tiến hành đấu giá nốt, chắc chắn là cao."

Khó mà tưởng tượng nổi một miếng đất chưa có sổ đỏ, hiện vẫn đang được giao dịch với giá thấp nhất là 27 đến 28 triệu/m2. Ngôi Nhà Mới là khu dự án nhà ở nằm tại trục đường Đại Lộ Lê Lợi, Quốc Oai, Hà Nội, năm ngoái giá đất mới giao động từ 12-15 triệu tùy từng vị trí, vậy mà giờ đây giá được đẩy lên gấp đôi. Điều đáng nói ở đây chưa có tiện ích sinh hoạt và cũng chưa có các hộ gia đình sinh sống. Không chỉ riêng đất nền, mà các khu đô thị như Xanh Villas tại xã Tiến Xuân, Huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội cũng được chủ đầu tư đẩy giá trị lên cao khoảng hơn 40%.

Đặc biệt, một số huyện ngoại thành Hà Nội, mặc dù không có thông tin quy hoạch nhưng giá đất thổ cư, đất nông nghiệp đều tăng. Vậy nguyên nhân do đâu? GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích:

"Giá nhà ở Hà Nội và TP. HCM từ cuối năm 2020 đã tăng khoảng 20% đến 30%. Khi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tăng giá đất thì sẽ tạo hiệu ứng lan ra cả các vùng xung quanh, các khu kinh tế trọng điểm phía bắc cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ. Thứ hai là do năm 2021 chúng ta hình thành nhiều ý tưởng quy hoạch từng vùng. Ví dụ tỉnh này, tỉnh khác xây hạ tầng, đường giao thông, các nơi được chuyển từ huyện lên quận, các thành phố mới, Hà Nội đề xuất thị xã Sơn Tây lên thành phố... Điều đó làm cho nhiều người có ý định đi tìm kiếm giá trị đất đai tăng thêm. Thứ ba là do Covid-19, các hộ kinh doanh vừa và nhỏ, các hộ gia đình bị giảm thu nhập nên mọi người quan tâm đến đầu tư vào lĩnh vực nào đó mang tính ổn định hơn, và bất động sản là một lựa chọn. Lý do cuối cùng nữa là hiệu ứng đám đông, giá đất luôn bị giới đầu cơ, cò đất thổi cao thêm.

"Sự thật hiện nay thị trường bất động sản đang là bong bóng rồi. Nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội hiện cũng không còn đúng nghĩa nữa mà bắt đầu trở thành nhà ở thương mại. Giá nhà đất bị môi giới thổi lên, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Có thể bong bóng nó chưa đủ lớn để de dọa, nhưng nó đang bắt đầu tích tụ dần, đây là điều mà các nhà quản lý cần nghiên cứu và tìm giải pháp. Cứ cái đà này e rằng bong bóng bất động sản sẽ còn phình to hơn.

Khi tham gia vào lĩnh vực bất động sản, nhất là trong bối cảnh khó đoán của kinh tế – xã hội giai đoạn tới, thì mấy ai có thể cầm chắc việc “đón đầu làn sóng đầu tư”. Vì vậy GS.TS Đặng Hùng Võ khuyến cáo những nhà đầu tư nên suy nghĩ kỹ càng, chớ vội vung tiền ra khi giá đất đang mông lung.