Theo số liệu thống kê của BHXHVN, cho đến nay vẫn còn gần 10% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó chủ yếu là người lao động tự do, đặc biệt là những lao động làm nghề giúp việc gia đình. Có khá nhiều nguyên nhân khiến cho lực lượng này chưa tiếp cận được hoặc chưa mặn mà với chính sách BHYT.

Ra thành phố làm nghề giúp việc gia đình nhiều năm, chị Nguyễn Thị Thanh ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cũng như rất nhiều chị em khác mỗi khi ốm đau lặt vặt đều để tự khỏi chứ không dám đi khám vì không có thẻ BHYT. Hoặc như chị Đỗ Thị Huệ ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có thẻ BHYT thì cũng phải lặn lội về quê khám mỗi khi đau ốm. Vất vả nhiêu khê là thế nên sau 2 năm tham gia BHYT tự nguyện, chị Huệ thôi không tham gia nữa.

Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật nước ta từng bước được hoàn thiện để bảo đảm quyền an sinh xã hội cho mọi người dân, trong đó có người làm nghề giúp việc gia đình. Theo quyết định số 595/QĐ- BHXH có quy định: người tham gia BHYT theo hộ gia đình không phải trình các loại giấy tờ để chứng mình nhân thân. Do vậy, nhiều chủ sử dụng lao động muốn trực tiếp mua thẻ BHYT cho người giúp việc nhưng thực tế lại rất khó thực hiện bởi tính không ổn định. Ví dụ như trường hợp của bà Trần Ngọc Thủy, người sử dụng lao động, ở khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội thường xuyên phải thay đổi người giúp việc. “Tôi ra trung tâm, làm đầy đủ hợp đồng và các thủ tục thuê người giúp việc, ký hợp đồng các thứ… nhưng người giúp việc về làm được 2 ngày lại xin nghỉ về quê, người thứ 2 cũng 3 ngày dù trước đó đã thỏa thuận vui vẻ không có gì, vì thế tôi có muốn mua BHYT cho họ cũng rất khó” - Bà Thủy bày tỏ.

Có lẽ chuyện thường xuyên phải thay đổi người giúp việc trong gia đình là chuyện rất phổ biến. Thêm nữa, đa số việc sử dụng người giúp việc gia đình chỉ là thỏa thuận giữa 2 bên chứ chưa có nhiều sự ràng buộc về mặt pháp lý. Theo quy định tại khoản 2 điều 163 Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì chủ nhà sẽ không phải trực tiếp đi mua thẻ BHYT cho người giúp việc, nhưng phải trả khoản tiền đóng BHYT để người giúp việc mua. Thế nhưng, người lao động có mua hay không thì lại chưa có cơ quan nào giám sát.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Nguyên Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, để đảm bảo quyền lợi cho người giúp việc gia đình, trong đó có việc tham gia và thụ hưởng chính sách về BHYT rất cần thiết phải có ký kết hợp đồng để “ràng buộc pháp lý đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của cả 2 bên”.

Hiện nay đã có rất nhiều chính sách về BHYT tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong đó có đối tượng lao động tự do và lao động giúp việc. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng, có tới hơn 95% số lao động tự do không có BHXH. Phần lớn trong số họ không được ký kết hợp đồng lao động nên không được tiếp cận BHXH, BHYT mà chỉ có thể tham gia tự nguyện, song tỷ lệ rất ít trên thực tế. Đối với riêng lao động giúp việc gia đình tỷ lệ này lại càng thấp hơn. Nhiều người sử dụng lao động giúp việc rất muốn ký hợp đồng cũng như mua thẻ BHYT cho người giúp việc để họ yên tâm gắn bó, nhưng thực tế lại chưa có chế tài đủ mạnh.

Để đảm bảo các trách nhiệm, quyền lợi an sinh nói chung và quyền lợi BHYT nói riêng cho người lao động giúp việc gia đình, theo chị Trần Lan Ngọc ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cần phải có chế tài: “Chúng tôi những người sử dụng lao động cũng rất mong có một chế tài để ràng buộc chúng tôi với người lao động, vì lao động giúp việc khá đặc thù, là người không chỉ giúp việc nội trợ mà thực tế là trông coi tài sản, con cái cho chúng tôi, nên cần phải chặt chẽ để đảm bảo cả quyền lợi và trách nhiệm của cả 2 bên” - Chị Trần Lan Ngọc nhấn mạnh.

Thực tế cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, mặc dù đã có những quy định trong bộ luật lao động và trong các nghị định và hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ, song con đường tham gia và thụ hưởng chính sách y tế đối với những người lao động giúp việc gia đình vẫn còn khá gập ghềnh.