Nghe bài viết tại đây:

Thương cháu và nhớ quê

Vẫn chất giọng xứ Nghệ đặc sệt, bà Hà Thị Lại khó lẫn ở mỗi nơi mình xuất hiện. Bà tự nhận mình chỉ cao chưa đến mét rưỡi, nặng 43 kg nhưng là người nhà quê, gánh bùn thồ đất từ nhỏ nên nói to. Lúc thì bà gọi tên đứa cháu 2 tuổi chạy long nhong dưới sân tập thể, khi thì nhắc nhở bé gái đang học lớp 1 ăn nhanh bát cháo để chiều mẹ về đưa đi học thêm. Mình bà như quay cuồng với 2 đứa nhỏ, bận hơn con mọn.

"Ngày bé nó ngoan lắm, bây giờ thì nghịch thôi rồi"- Chỉ bé trai 2 tuổi đang bám chân mình, bà Lại nỏi. Từ ngày con gái ở Hà Nội sinh con thứ hai, bà Lại như được mặc định sứ mệnh nuôi cháu thay con. Vậy là bà khăn gói vượt hơn 300km từ Nghệ An ra Hà Nội. Thấm thoát đã 2 năm.

"Nhà nó không có điều kiện thuê giúp việc nên cả ông bà đều ra Hà Nội. Ông thì ở với đứa con trai bên Gia Lâm" - nói về quê bà Lại như chẳng ngừng được - "Tôi không hợp ở đây, không khí bụi bặm. Về quê mấy hôm mà khỏe ra".

Nhiều người cho rằng “mẹ chăm con không bằng bà chăm cháu”, vậy là đứa trẻ có thêm người mẹ nữa tuy không sinh ra nhưng có công nuôi dưỡng, đó là bà. Chị Phan Thu Hằng ở Nam Định cũng băn khoăn giữa mời mẹ lên Hà Nội ở cùng và chăm cháu hay thuê người giúp việc.

"Tôi biết là mẹ lên Hà Nội sẽ vất vả cho bà. Bà phải có thời gian thích ứng ở môi trường mới, rồi nhớ nhà nhớ quê…Nhưng rõ ràng bà chăm cháu sẽ tốt hơn là mình giao cho giúp việc. Thuê mấy người rồi nhưng vẫn không an tâm" - Chị Hằng chia sẻ.

Nhớ về quãng thời gian con nhỏ, vợ chồng mải miết với công việc ngày 10 tiếng ở bên ngoài, chị Hương biết ơn bố mẹ già đã chấp nhận sống xa nhau để phụ đỡ con cái.

"Bố thì ở nhà, mẹ ở trên Hà Nội với con cháu. Ông bà vốn tình cảm lắm, ông nhớ bà nhưng biết làm sao, thi thoảng mới lên đây thăm" - Có cháu là thêm niềm vui và ông bà cũng thêm trách nhiệm.

Đừng để trông cháu là gánh nặng của tuổi già

Có sự "dịch chuyển" trong xã hội nông thôn là người trẻ ra thị thành học tập, kiếm sống, người cao tuổi cũng theo con để chăm cháu. Họ sẽ phải đối diện khoảng cách về môi trường sống: nông thôn – thành thị, khác biệt lối sống, thế hệ, lứa tuổi…và cả cách chăm sóc con trẻ…

Khi những đứa trẻ bước vào tiểu học, mẹ chị Hằng lại sang nhà cậu con trai thứ để chăm cháu mới sinh. Một vòng lặp lại, hết đứa trẻ này đến đứa trẻ khác qua tay bà chăm sóc. Khi chúng lớn khôn cũng là lúc người bà chân đau khớp mỏi.

"Nhiều khi mình nghĩ là mình đang cướp đi thời gian nghỉ ngơi tuổi già của bố mẹ" - chị Hằng nói.

Tranh luận về trách nhiệm chăm cháu của ông bà luôn dài bất tận. Với người này đó là gánh nặng nhưng với người kia đó là hạnh phúc được ở gần con cháu. Chị Nguyễn Thị Trang ở Nghệ An cho rằng không nên xem việc chăm cháu là “trách nhiệm” của ông bà. "Chúng ta cứ dồn hết mọi việc cho ông bà trong khi ông bà còn có nhu cầu sở thích khác. Theo tôi bố mẹ có thể từ chối. Chơi với cháu thì được nhưng chăm trẻ là nhiệm vụ của người sinh ra cháu".

Còn anh Thái Văn Chiến ở Hà Nam, vợ chồng anh chọn cách hỏi ý kiến bố mẹ để vui vẻ cả đôi bên. "Tôi tin là bố mẹ tôi rất thích chăm sóc cháu nhưng tôi cũng không muốn bố mẹ hai bên có thêm sự bận rộn. Vợ chồng tôi đã hỏi ý kiến bố mẹ là chúng con ở trên này sẽ phải thuê giúp việc. Bố mẹ có thể lên ở với chúng con không, con sẽ yên tâm hơn…" - anh Chiến chia sẻ.

Từ bao đời nay, việc ông bà nuôi dưỡng chăm sóc con cháu được xem như trách nhiệm đương nhiên mà không ai chối từ. Đó là sợi dây kết nối bền chặt giữa cha mẹ con cái. Bà Lại luôn nhớ nhà, đôi khi mong một ngày không nghe tiếng trẻ khóc để bà không phải chạy tất tưởi đút cơm cho đứa này, dỗ dành đứa khác.

Những đứa trẻ lớn lên, đi làm và xây dựng cuộc sống ở vùng đất khác. Điều đó như ngầm báo cho tương lai của cha mẹ khi về hưu sẽ đến ở cùng con để chăm cháu. Không chỉ cơm nước, nhiều ông bà còn có vai trò đặc biệt trong việc hình thành nhân cách, lối sống của đứa trẻ. Họ dường như đang trong vai phụ huynh thay cho bố mẹ các bé. Vậy là, làm ông bà ở thời nay chưa bao giờ dễ dàng./.