Nghe bài viết tại đây:
Đánh dấu mốc trưởng thành về tuổi tác của mỗi người, có lẽ không chỉ là sự thay đổi đường nét ngoại hình, tính cách mà còn là những bước đi vội hơn và bữa ăn sum họp gia đình cũng ít hơn.
Nguyễn Y Linh ở Hà Nội xách vali sang Đức du học năm 20 tuổi, làm quen với bánh pizza, bánh mì, khoai tay, xúc xích…nhiều hơn ăn cơm trắng thịt kho, rau muống luộc bà và mẹ thường nấu.
Năm 21 tuổi, trở về quê lần đầu sau một năm xa nhà, khi mẹ gọi Linh dậy ăn cơm, ở đó cả nhà hơn chục người đang quây quần bên mâm cơm tỏa hơi nóng, cảm giác của Linh thật lạ lẫm bởi thời gian dài không ăn cùng gia đình.
Khi còn ở Việt Nam, năm 18 tuổi Linh đỗ vào Đại học, thời gian học tập ở trường và tụ tập bạn bè nhiều hơn gặp bố mẹ, bữa cơm có Linh ở nhà ngày càng thưa. Linh vẫn vô tư nghĩ cơm ngoài cũng ngon như cơm nhà.
"Ngày đấy em cũng chưa nghĩ về tầm quan trọng của cái việc ăn cơm với cả gia đình như thế nào. Khi mà em đi xa, đã hiểu được một phần nào đó sự quan trọng của cái bữa cơm gia đình", Linh chia sẻ.

Đó là các thành viên trong gia đình, từ ông bà, bố mẹ, các anh chị em cùng ăn, nói chuyện và trêu đùa nhau. Chẳng cần mâm cao cỗ đầy, bữa cơm đấy mẹ nấu nhão hơn chút vì ông đã yếu hơn, bà thích ăn trứng và cậu em chỉ thích uống nước canh rau muống luộc có vị sấu chua…Bố mẹ sẽ hỏi chị em Linh một ngày ở trường như thế nào, bà lại lẩm bẩm chuyện “ngày xửa ngày xưa chúng tao đâu sướng như bây giờ…”. Ngày ấy nghe hoài cũng chán, rồi ông bà cũng về với tiên tổ, 2 chiếc ghế trống im lặng trong bữa cơm và Linh thì đang ở vùng trời nào đó, thật xa cha mẹ.
"Ở Đức, em phải tự lo bữa cơm của mình, tự đi chợ, phải tự nấu ăn, nhiều lúc em thấy thèm bữa cơm gia đình", lúc đấy Linh thường là gọi về cho gia đình và nếu người nhà em đang ăn cơm thì để điện thoại ở trên bàn và Linh cũng tham gia vào "bữa ăn online".
Bữa cơm gia đình là một nét văn hóa của người Việt và chẳng nhiều nơi trên thế giới như ở nước ta các thành viên trong nhà luôn gọi nhau, chờ nhau về xum vầy bên mâm cơm tối.
"Bữa cơm với em đó là giá trị truyền thống, mình nhớ về cội nguồn, gia đình, quê hương", Linh nói đầy chiêm nghiệm.
“Đi thật xa để trở về”, đôi khi lý do để trở về cũng chỉ vì nhớ không khí của bữa ăn, cùng chấm chung một bát nước mắm, chan cùng một tô canh, đùn đẩy nhau rửa bát và ta lại được "ngốc nghếch" bên ông bà, cha mẹ-những người cả đời chỉ mong ta an vui, hạnh phúc.
Cái giá của trưởng thành là quá muộn để nhận ra: đủ đầy của đời người có khi chỉ là trở về và chiếc ghế ấy, mâm cơm ấy, ông bà vẫn ngồi ở đó và lẩm bẩm chuyện “ngày xửa ngày xưa”…