Nếu như trước kia, các tai biến sản khoa xảy ra khiến thai phụ đối mặt với những biến chứng khó lường, thai nhi phải chịu di chứng nặng nề suốt đời, thì nay, với sự phát triển kỹ thuật can thiệp bào thai, các bác sĩ đã có thể chữa bệnh cho thai nhi từ trong bụng mẹ, giúp các mẹ sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Tại Trung tâm can thiệp bào thai, BV Phụ sản Hà Nội, cũng như nhiều sản phụ khác, chị Phạm Thị Miền, quê ở Hưng Yên hạnh phúc khi được ôm con vào lòng, cho con bú. Nhưng với chị Miền, niềm hạnh phúc ấy giống như một sự “hồi sinh”.

Chị Miền cho biết, chị mang song thai ở độ tuổi gần 40 nên rất lo lắng, chị tuân thủ việc khám thai đầy đủ. Tuy nhiên, cơ sở y tế địa phương không phát hiện ra những bất thường ở thai nhi cho đến tuần thứ 26, do sức khỏe ngày càng yếu, mệt không chịu được, gia đình quyết định đưa chị đến BV Phụ sản HN khám. Sau khi khám, TS.BS Phan Thị Huyền Thương – Phó GĐ phụ trách TT can thiệp bào thai, BV Phụ sản HN chẩn đoán thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai, đồng thời thai chậm phát triển.

“Trường hợp của chị Miền là ca hội chứng truyền máu song thai và thai chậm tăng trưởng chọn lọc khá nặng vào tuần 26 của thai kỳ, trong đó một em bé nhẹ cân, bị suy tim, giãn não thất, một em bé quá tải tuần hoàn do em bé kia truyền sang. Chúng tôi đã cân nhắc và quyết định bỏ em bé nhỏ và giữ lại em bé lớn hơn.” – BS Phan Thị Huyền Thương cho biết.

Với trường hợp của mẹ con chị Miền, nếu như trước đây, cơ hội sống của bé rất thấp hoặc một bé mất đi thì bé còn lại nếu sinh ra cũng sẽ bị di chứng thần kinh nặng nề. Do đó, khi chứng kiến con lớn dần trong bụng mẹ, sinh ra khỏe mạnh là điều mà gia đình chị trước đó không dám nghĩ tới.

“Khi lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, may gặp BS Huyền Thương tận tâm động viên nói rằng Trung tâm có nhiều biện pháp điều trị cho mình. Ca can thiệp điều trị mất cả trăm triệu đồng, gia đình khó khăn không có tiền chi trả nên bệnh viện đã hỗ trợ hoàn toàn. Giờ gia đình rất vui, được các bác sĩ giúp, điều trị, cứu sống con em, hôm nay lớn lên từng tuần trong bụng mẹ, mừng lắm. Gia đình trước đó lo cho cả sức khỏe của mẹ, nhưng bây giờ thì yên tâm rồi” – Chị Miền xúc động chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên VOV2, BS Phan Thị Huyền Thương cho biết: năm 2018, Trung tâm can thiệp bào thai, BV Phụ sản Hà Nội đã thực hiện ca can thiệp bào thai đầu tiên với trường hợp mắc hội chứng truyền máu song thai, đến nay, sau 7 năm, đã có thêm nhiều kỹ thuật mới như truyền ối, truyền máu bào thai, đặt ống dẫn lưu màng phổi, bàng quang… điều trị thành công cho hàng nghìn thai nhi bị dị tật, mang lại cơ hội sống khỏe mạnh cho hàng nghìn em bé từ trong bụng mẹ.

“Những trường hợp can thiệp bào thai, bác sĩ hướng tới phần lớn các em bé bị bệnh hay dị tật, nếu bệnh đấy không chữa thì em bé tử vong. Ví dụ trong hội chứng truyền máu song thai nếu không điều trị thì tỷ lệ em bé tử vong là 90%, 10% sống còn lại thì 30-40% em bé sẽ tổn thương não, khi sinh ra đời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của em bé sau này. Nhưng nếu điều trị kịp thời, thành công thì có thể đảo ngược tình thế, từ cơ hội sống của em bé gần như bằng 0 thì em bé đó tăng cơ hội sống và mẹ có những người con khỏe mạnh” – BS Phan Thị Huyền Thương nhận định.

Bởi vì thai nhi rất nhỏ, buồng ối lại bé nên mỗi một trường hợp, ê kip bác sĩ đều sẽ hội chẩn xem xét kỹ lưỡng, thậm chí là cân não để đưa ra quyết định chọn lựa phương pháp can thiệp phù hợp.

“Các bác sĩ sẽ can thiệp cho em bé từ 16 tuần, buồng ối rất bé, em bé chỉ nhỏ khoảng 100gr thôi. Vì vậy, những quyết định đó gần như là quyết định sống còn không chỉ cho bà mẹ mà còn cho thai nhi. Những thao tác trong bụng mẹ rất bé như thế nên đòi hỏi thao tác phải tỉ mỉ, cẩn thận nên với mỗi một trường hợp như thế thì phải hội chẩn rất kỹ, xem em bé bị như thế nào, tuần hoàn rau, buồng ối, tim thai và những bệnh lý cụ thể em bé mắc phải và hội chẩn nhiều chuyên khoa để đưa ra phương hướng rõ ràng và lên nhiều kịch bản vì nhiều trường hợp chỉ sai một chút thôi thì cũng gây ra những kết quả khác hẳn nhau. Sau mỗi ca sau phẫu thuật, khám lại thấy em bé có biểu hiện hồi phục rõ ràng thì các bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm và vui mừng” – BS Phan Thị Huyền Thương nói.

Kỹ thuật can thiệp bào thai thành công không chỉ đánh dấu bước tiến về chuyên môn trong lĩnh vực y học mà còn ghi dấu ấn can thiệp bào thai trên bản đồ thế giới. Ngoài ra, sự thành công của các ca can thiệp còn có ý nghĩa nhân văn, mang lại cơ hội làm mẹ và cơ hội sống khỏe mạnh cho các em bé bị mắc bệnh từ khi còn là bào thai.

“Các sản phụ nên đi khám và siêu âm định kỳ, nhất là siêu âm 4D tại thời điểm 12 tuần, 22 tuần, 28 tuần và 32 tuần. Việc siêu âm và phát hiện sớm sẽ giúp ích cho việc điều trị sớm và tăng tỷ lệ thành công điều trị các ca can thiệp bào thai.

Những bệnh nhân mang song thai hay có tiền sử đẻ con bị dị tật bẩm sinh, hiện nay đang xuất hiện vấn đề về dị tật hình thái di truyền đã được chẩn đoán thì nên đến cơ sở y tế lớn để chẩn đoán trước sinh can thiệp bào thai để được điều trị sớm, hạn chế dị tật sau khi em bé ra đời và tăng cơ hội sống cho em bé” - BS Phan Thị Huyền Thương khuyến cáo.